Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, do mâu thuẫn trong tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 09 giờ 30 phút ngày 30/10/2022, ba con gái của bà Vũ Thị Đ., (SN 1961, trú tại xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định (SN 1982); Đỗ Thị Điểm (SN 1988) và Đỗ Thị Đưa (SN 1990) mang theo 01 can xăng loại 10 lít đến nhà mẹ đẻ.
Tại đây, Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách nhà bà Đ. rồi châm lửa đốt cháy. Hậu quả bà Đ. và cả ba con gái bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50.000.000 đồng.
Ngày 4/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người quy định tại Điều 123, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, trong vụ án này có 3 người đã tử vong, trong đó có 2 người con gái và bà Vũ Thị Đ., còn người con gái thứ 3 là chị Đỗ Thị Đưa may mắn chỉ bị bỏng nhẹ.
Rất nhiều độc giả quan tâm, vụ án đã được khởi tố nhưng có 2/3 bị can đã tử vong có ảnh hưởng đến quá trình điều tra? Vụ án sẽ được giải quyết như thế nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá, đây là vụ án gây rúng động dư luận thời gian qua, hậu quả vụ án rất thương tâm, những người trong cuộc vừa đáng thương vừa đáng trách. Vụ án cũng là bài học đắt giá cho những ai còn muốn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Đồng nêu quan điểm: Sự việc có dấu hiệu tội phạm Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án Giết người và thực hiện các hoạt động tố tụng là hoàn toàn đúng trình tự thủ tục, đúng quy định pháp luật.
Do vụ án đang trong giai đoạn điều tra và những người liên quan được xác định có người thực hiện hành vi (03 người con gái) và có cả nạn nhân (người mẹ), nhưng những người này đều trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng nên áp dụng biện pháp cứu chữa kịp thời sau khi hồi phục sẽ tiếp tục áp dụng các thủ tục tố tụng.
Viện dẫn quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, luật sư Đồng cho biết: "Nếu bị can chết trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra (chấm dứt hoạt động điều tra) đối với bị can đó. Nếu vụ án chỉ có một bị can mà người này đã chết thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án. Còn nếu vụ án có nhiều bị can, thì cơ quan điều tra chỉ đình chỉ điều tra bị can đã chết, còn đối với bị can còn sống (người con gái thứ 03) vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, ý thức phạm tội và hậu quả của hành vi tới đâu sẽ chịu trách nhiệm tới đó theo nguyên tắc cá biệt hóa hành vi của từng chủ thể".
Trả lời câu hỏi việc bị can tử vong có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án hay không? Luật sư Đồng cho hay, trong vụ án có nhiều bị can, mà có bị can đã tử vong, thì ít nhiều sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, hoạt động truy tố, xét xử sau này. Lý giải điều này, chuyên gia luật cho rằng, nếu bị can còn sống thì lời khai của những người này có thể là căn cứ để buộc tội hoặc gỡ tội cho các bị can khác và làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Đồng thời bị can có thể cung cấp thông tin để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật.
Đối với bị can chủ mưu việc đốt xăng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự lớn nhất trong vụ án. Nếu bị can chủ mưu tử vong trong giai đoạn điều tra thì càng gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can còn lại vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tố tụng hình sự, phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục và thu thập đầy đủ các chứng cứ một cách toàn diện.
Cùng nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, trong vụ án này, qua dữ liệu camera và lời khai người làm chứng cho thấy người con gái thứ hai là người đổ xăng và châm lửa đốt. Tuy nhiên cũng chưa thể khẳng định người này là chủ mưu “đầu vụ” mà có thể là người thực hiện với vai trò đồng phạm “người thực hành”. Bởi theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, người đồng phạm gồm có người tổ chức (tức chủ mưu), người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Người đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của “người thực hành”.
Trong vụ án này người con gái thứ 03 bị bỏng nhẹ nhất (hiện tại đang còn sống) nên việc chờ người này hồi phục để thu thập lời khai và áp dụng các thủ tục tố tụng tiếp theo, nhằm xác định sự thật khách quan, xác định vai trò của người này trong vụ án là gì, để có căn cứ xử lý theo quy định.
"Với vụ án có nhiều bị can mà bị can trong vụ án chết nhưng không gây ảnh hưởng gì đến những bị can khác thì cơ quan điều tra chỉ đình chỉ điều tra đối với nội dung liên quan đến bị can đã chết, đối với bị can còn sống vẫn tiếp tục điều tra", chuyên gia luật cho biết.