Căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Oanh (Xóm 8, xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An) chẳng có bất cứ vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc bàn nhỏ cũ kỹ. Chị Oanh nằm bất động trên giường, tay chân cứng đờ, co quắp.
Sinh ra trong gia đình có 5 người con, cha bỏ đi theo phụ nữ khác từ lúc còn nhỏ nên tuổi thơ chị đã đi qua những ngày cơ cực. Không có điều kiện ăn học, chị Oanh cũng như các anh chị mình, phải bỏ học bươn chải từ rất sớm.
Kể về những sóng gió cuộc đời, chị Oanh ngậm ngùi kể, năm 20 tuổi chị theo bà dì đi nấu ăn cho một công ty cầu đường trong tỉnh. Cũng tại đây, chị gặp người đàn ông là cha của hai cô con gái chị bây giờ.
“Hồi ấy, tôi cứ ngỡ may mắn gặp được người đàn ông của đời mình. Anh ấy làm công nhân trong công ty, mặt mũi sáng sủa, ăn nói có duyên nên tôi đã tin mà trao thân cho anh ta”, chị Oanh chua xót kể.
Hai người qua lại được một thời gian thì chị Oanh mang thai. Chị vui mừng báo tin cho người yêu, trong đầu chị hiện ra khuôn mặt hạnh phúc của anh. Thế nhưng trái với suy nghĩ của chị, lúc này anh ta thú nhận đã có vợ con ở quê nhà, không thể cùng chị làm đám cưới. Cái thai trong bụng thì chị tự quyết định lấy, anh ta không can dự.
Cô gái 20 tuổi đau đớn, nghẹn ngào khi người đàn ông mình tin yêu và hi sinh tất cả lại nhẫn tâm lừa gạt. Tệ bạc hơn, suốt thời gian chị mang thai, sinh con anh ta không một lời hỏi han, chăm sóc.
Biết tin con gái chưa chồng mà chửa hoang, bà Trần Thị Bốn (71 tuổi) mẹ chị khóc ngất rồi đòi đuổi con gái ra khỏi nhà. Bạn bè, hàng xóm láng giềng nhìn chị với ánh mắt dè bỉu, khinh miệt. Chị Oanh câm lặng vượt qua tất cả để sinh đứa con gái tội nghiệp. Thấy con cái bụng vượt mặt vẫn phải làm lụng vất vả, bà Bốn dần nguôi giận, thi thoảng đỡ đần.
“Đời tôi đã lỡ dở vì bị chồng bỏ đi lấy người khác, không ngờ con gái tôi cũng bị người ta lừa gạt. Gia đình tôi phải chấp nhận sự khinh miệt của người đời để sống”, bà Bốn nghẹn ngào.
Khi con gái chị Oanh tròn 6 tuổi thì người đàn ông đó lại tìm về. Anh ta bày tỏ sự hối lỗi và mong chị sinh cho mình một đứa con trai rồi anh sẽ có trách nhiệm với mẹ con chị. Hi vọng mình và con có một danh phận, chị lại xiêu lòng trước những lời dụ dỗ ngon ngọt ấy.
Năm 2001, cô con gái thứ hai của chị Oanh chào đời. Không sinh được con trai, anh chồng hờ bỏ đi biệt tích không một lần trở lại.
Để có tiền nuôi hai đứa con, chị Oanh theo tốp thợ cùng xã đi làm phụ hồ khắp các huyện Đô Lương, Yên Thành, Con Cuông... Công việc nặng nhọc, cực khổ, nhiều hôm đau nhức khắp cơ thể nhưng chị không dám nghỉ ngơi một ngày nào. Chị mà ngắt việc thì miếng cơm của các con cũng đói. Cứ thế, hơn 20 năm qua một tay chị vật lộn nuôi các con trưởng thành. Con gái đầu của chị hiện đã lập gia đình. Con gái út năm nay đang học lớp 11.
Mọi khó khăn vất vả tưởng chừng sắp qua đi thì tháng 7/2017, chị bị tai nạn lao động dập tủy sống khi đang phụ hồ. “Hôm đó cũng như mọi ngày tôi theo tốp thợ đi làm công trình ở xã Đà Sơn. Vào giờ giải lao tôi và hai người phụ nữ cùng nhóm ngồi trên giàn giáo cao 1,5 m nghỉ ngơi. Hết giờ nghỉ tôi đứng dậy leo xuống để nhồi hồ cho thợ làm thì bất ngờ chiếc ván gỗ của giàn giáo nghiêng khiến tôi ngã xuống đập mặt vào bậc thềm", chị kể.
Chị Oanh được mọi người đưa đến trạm xá xã Đà Sơn khâu vết thương ở vùng mí mắt và mũi rồi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Nghệ An điều trị. Tuy nhiên do bị dập tủy sống nên chị được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Sau hơn 3 tuần điều trị tại bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam, một phần vì tổn thương quá nặng, một phần kinh tế gia đình không cho phép nên chị Oanh xin xuất viện.
Từ đó đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, chị Oanh phải nằm bất động trên giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào bàn tay cô con gái út. Do nằm nhiều nên cơ thể chị bị lở loét khắp nơi, tay chân co quắp không cử động được.
Hàng ngày Lương thức dậy từ 4 giờ sáng vệ sinh vết thương và chuẩn bị bữa sáng cho mẹ rồi đến trường. Tan học em lại vội vàng về nhà chăm sóc mẹ. Hôm nào Lương tan học muộn, chị Oanh phải nhờ hàng xóm sang cắm giúp nồi cơm.
Để có tiền trang trải chi phí thuốc thang, chị Oanh phải vay mượn anh em trong gia đình và hàng xóm. Mong muốn của chị là có chút tiền để tiếp tục điều trị dù khả năng hồi phục rất mong manh.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin gửi về:
Trần Thị Oanh, xóm 8, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An;
Tài khoản ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn chi nhánh huyện Đô Lương, Nghệ An. Số TK: 3603205237980. Điện thoại: 01667302499.