Thời gian để được tăng lương
Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định, chế độ nâng bậc, tăng lương là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể thoả thuận cụ thể về điều kiện, thời gian mà mức lương sau khi tăng, hoặc ghi nhận về việc thực hiện việc tăng lương theo thoả ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn nâng lương và mức tăng lương mà hoàn toàn phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên.
Chính vì vậy, để biết được việc bao lâu sẽ được tăng lương, cần căn cứ cụ thể vào hợp đồng lao động đã ký hoặc thoả ước lao động tập thể, quy chế nâng lương của công ty.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng yêu cầu phía công ty buộc phải xây dựng thang lương, bản lương và định mức lao động. Việc này sẽ làm cơ sở để thoả thuận mức lương trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Do vậy, nếu hợp đồng lao đồng thoả thuận thực hiện tăng lương theo quy định của công ty thì người lao động cần xem xét tháng lương, bảng lương của công ty để biết thời điểm mình được tăng lương.
2 trường hợp công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động
Trường hợp 1: Người lao động ký hợp đồng lao động sau khi hết thử việc.
Theo điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 cho biết, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, nếu trước đó mức lương thử việc thấp hơn lương chính thức, thì sau khi thử việc đạt yêu cầu, công ty phải ký hợp đồng lao động với người lao động với mức lương cao hơn mức lương thử việc.
Trường hợp 2: Tăng lương tối thiểu vùng
Theo điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng này do Chính phủ công bố, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương này thường sẽ được tăng dần theo từng năm.
Do vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.
Công ty không tăng lương theo thoả thuận thì xử lý thế nào?
Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thoả thuận trong hợp đồng lao động sẽ bị sử phạt như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định:
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.
Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu công ty có thỏa thuận tăng lương cho người lao động nhưng không trả hoặc trả không đủ tiền lương có thể bị phạt với mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Công ty trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định có thể bị phạt với mức cao nhất lên đến 150 triệu đồng.