Tôi cũng không biết sao mình yêu anh ta đến vậy, có lẽ do tuổi trẻ và mắc chứng “gái yêu bằng tai” nên phạm sai lầm này tới sai lầm khác.
Anh ta là thầy dạy vi tính của tôi, rất hoạt ngôn nên dù hơi xí trai và dáng nhỏ thó lại “mặt dơi tai chuột” nhưng tôi cứ nghe anh nói chuyện là quên cả trời đất. 23 tuổi tôi vui sướng về làm vợ anh ta. Sau khi về sống chung, tôi mới biết mặt thật của con người hào hoa mà lâu nay mỗi ngày tôi chỉ gặp có hai giờ đồng hồ ấy. Anh ta rất lười biếng, quần áo có vài bộ nhưng mặc xong không thích giặt ngay mà ủ đó rồi ngay mai… xịt nước hoa mặc tiếp! Tuy sống cùng cha già và 3 em nhỏ (mẹ anh ta mất từ lâu) nhưng anh ta chẳng khi nào thể hiện trách nhiệm của người anh lớn trong gia đình. Nhà mưa dột, anh giả bận việc đi mãi, em trai út anh mới 12 tuổi, chạy chơi hay bị té hoặc đánh lộn nhau, anh liền mắng em bằng những ngôn từ chợ búa như “thằng ngu cho mày chết”, “tao có biểu mày leo cây cho té không? Sao té không chết cho rồi mà về đây khóc?”. Tiền lương anh không hề phụ giúp em gái lo lắng gia đình mà tiêu xài cá nhân hết cả, ngay cả cơm cũng ăn ké gia đình dù các em anh chỉ bơm vá xe đạp, phụ quán ăn...
Tôi biết tất cả về kẻ mà mình gọi là chồng khi cấn bầu tháng thứ 4. Anh cũng bắt đầu hục hặc với chỗ làm, lý do là đòi tăng lương nhưng chủ không chịu, vì những trung tâm tin học, cơ sở vi tính mọc lên như nấm, lượng học viên giảm đi.
Rồi anh bỏ việc. Mình tôi với chân kế toán cửa hàng vật tư nông nghiệp không đủ xoay sở, thêm nghén làm tôi mệt mỏi, nghe mùi diêm tro, thuốc bảo vệ thực vật là ngất xỉu. Tôi năn nỉ anh xin việc chỗ khác, anh bảo “để suy nghĩ” cả tháng mới quyết định xin việc, đó là ở một tiệm photocopy lớn nhất nhì thị xã.
Nhờ hoạt ngôn và lanh lợi nên ngoài việc đánh máy vi tính, anh còn học photo rồi chủ nhận những sáng kiến kinh nghiệm, bài thu hoạch tốt nghiệp… anh đều làm rất trơn tru. Năm 2002, gạo 3.000 đồng/kg mà lương anh mỗi ngày một trăm ngàn!
Thế nhưng, anh ta chả bao giờ đem về nhà hết số tiền đó, mà chỉ đưa tôi mỗi ngày hai mươi ngàn đồng, lý do: “em cũng có lương mà”. Nói thật, số tiền đó không thiếu cho chuyện cơm gạo nhưng con mới sinh, tôi chưa đi làm được, thì ngày dài tháng rộng sống bằng gì? Rồi tôi biết thêm, số tiền còn lại anh ta dùng để nhậu nhẹt với bạn bè, anh ta lại rất “thảo ăn”, mỗi cữ nhậu bốn, năm tay anh đều “bao” hết! Có khi xị rượu dĩa khô xoài nhưng cũng có lúc dựng bò, dê nướng…
Tôi khóc lóc phân bua, rằng con ngày càng lớn, tã sữa, ốm đau cũng cần tiền mà anh cứ nhậu triền miên thì sức khỏe đâu làm việc? Chiều 5 giờ ra khỏi chỗ làm mà anh đi tới chín mười giờ đêm. Về tới nhà thì cơ thể nhếch nhác hôi tanh, nằm ra sàn nhà và ói mửa um sùm. Con nhỏ khó ngủ khóc lóc, tôi phải dọn đống “xà bần” của anh để khỏi ảnh hưởng tới giấc ngủ các em. Ba anh ta thì luôn mắng tôi là “Đồ đàn bà hư, có thằng chồng mà cũng không quản lý được. Nó đi về trễ, mày không biết đi tìm hay sao mà để con tao ra nông nỗi này?”. Trời ạ, con còn ẵm ngửa, tôi đàn bà non ngày tháng, thời đó điện thoại chưa thông dụng, nhà cũng không có xe máy, biết tìm chồng ở đâu trong điệp trùng quán xá?
Rồi con cũng tới tuổi gửi nhà trẻ, tôi đi làm lại, mọi việc có vẻ “dễ thở” hơn khi tôi làm ra tiền và đóng góp nhiều hơn số các em anh yêu cầu.
Chồng thì thỉnh thoảng đưa tôi vài chục. Tôi không buồn hỏi tới tiền của anh ta nữa, vì tôi làm đã đủ sống.
Rồi trong một lần nhận một loạt bài thu hoạch của khách với hạn giao khá gần nhưng anh mãi nhậu nhẹt nên đầu óc mụ mị mà quên việc. Khách tới mắng mỏ, bắt đền chủ vì đã cận hạn nộp mà vẫn chưa xong dù có làm ngày làm đêm. Khách hủy hợp đồng, bỏ cả chục bài thu hoạch đó. Chủ của anh ta mất số tiền to, quay sang “bắt đền” lại anh bằng khoảng tiền bốn triệu đồng của năm 2007.
Tất nhiên anh không có tiền để trả. Vậy là chủ dọa thưa ra tòa. Anh năn nỉ trả dần theo lương, nhưng chủ không thuê anh nữa, vì cách làm việc trù trừ và tật mê nhậu đó sẽ làm ông bị đền hợp đồng dài dài.
Mất việc làm nhưng nợ phải trả ngay, nếu không thì ra tòa. Anh ta chới với vì lo sợ. Thế rồi chủ “bỏ nhỏ” rằng muốn ông ta bỏ qua chuyện thì phải cho ông ta ngủ với tôi một đêm! Mọi nợ nần ông ta sẽ xóa sạch.
Chiều hôm đó tôi ngạc nhiên tột độ khi anh mua vịt quay về nhà, còn tự tay vô bếp bày dọn ra. Ăn cơm xong, anh nhờ các em trông con rồi mời tôi ra quán cà phê để nói chuyện.
Anh năn nỉ tôi “cứu” anh, chỉ một lần thôi, ông chủ hứa, chỉ một lần duy nhất, “mà em có chồng rồi, mất mát gì đâu!”
Tôi chết sững nhìn người đàn ông mình gọi là chồng. Hắn đốn mạt đến thế là cùng! Đi làm không đem tiền về nuôi vợ con, ở nhà thì lười nhác vô tâm với gia đình, giờ mắc nợ thì bảo vợ “thế thân”.
Tôi khóc một trận ra trò tại quán cà phê đó và ngay lập tức hôm sau làm đơn ly hôn. Tôi bồng con về quỳ lạy cha mẹ và kể hết bao chuyện lòng. May thay cha mẹ tôi độ lượng nên đã giúp tôi đứng dậy. Tại tòa hắn khăng khăng giành nuôi con vì cho rằng hai năm qua tôi không việc làm, không nhà riêng, không thu nhập thì lấy gì mà sống? Tòa hỏi lại những câu đó với hắn. Rằng hắn không nhà riêng, đang mất việc làm, đang mắc nợ, thì lấy gì nuôi con? Hắn… cấm khẩu luôn.
Hơn 10 năm qua, vết thương lòng đã nguôi ngoai, có khi tôi còn muốn cảm ơn hắn, vì hắn tệ bạc với tôi nên tôi phải đứng lên và có nhà cửa, xe cộ, của cải như ngày nay. Con tôi lại rất ngoan chứ không hư hỏng như bao đứa trẻ “nhà không nóc” khác.
Còn hắn, chuyển từ nhà trọ này sang nhà trọ khác vì các em không cho kẻ vô tâm như thế sống chung nhà. Công việc của hắn cũng nay việc này mai việc kia. Ăn chả nhiều, nhưng rượu ngày nào cũng uống. Con gái tôi biết ai là cha của nó, vì cha mẹ tôi không giấu giếm. Và có lần, hắn đã tìm con tôi ở cổng trường chỉ để… xin ít ngàn mua rượu! Cô bé mủi lòng, đã mượn tiền bạn và cho hắn.
Dù thời gian đã đi qua, nỗi đau đã thành sẹo nhưng cứ nhớ tới lời đề nghị khốn nạn của hắn ngày đó là tôi ước cơ thể con mình không chảy dòng máu của hắn. Tôi muốn kể cho con nghe chuyện vì sao tôi ly hôn hắn, để con bé không bận tâm về người cha nữa. Nhưng không biết có nên không?