Nghi vấn trầm cảm, mẹ ôm con nhảy từ tầng 12 chung cư
Ngày 4/10, Công an TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ 2 mẹ con tử vong sau khi rơi từ tầng cao chung cư xuống đất.
Theo đó, khoảng 4h cùng ngày, một số cư dân nghe tiếng động mạnh phát ra dưới một tòa chung cư trên địa bàn phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức.
Người dân gần đó đến kiểm tra, phát hiện thi thể người phụ nữ cùng một cháu bé khoảng 3 tháng tuổi đang bị thương. Cháu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Nhận tin báo, Công an TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Qua điều tra, nhà chức trách xác định danh tính người mẹ là N.T.H.T. (33 tuổi). Bước đầu, cảnh sát nghi vấn người mẹ bị trầm cảm nên ôm con nhảy từ tầng 12 tự vẫn.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
"Bóng đen" trầm cảm sau sinh
Những câu chuyện liên quan nghi vấn trầm cảm và tử vong không phải là vấn đề mới nhưng luôn để lại những nỗi xót xa với dư luận và người thân.
Ở Việt Nam, nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11% đến 33% và thường khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh. Đáng nói, gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Chia sẻ về câu chuyện trầm cảm sau sinh, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Khoa học cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến tình cảnh trầm cảm sau sinh con ở phụ nữ bao gồm thể chất, tinh thần, mối quan hệ và hoàn cảnh của mỗi sản phụ”.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu đúng và đủ về trầm cảm nên còn có những quan niệm sai lầm về vấn đề này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Bs Thành cho hay, trầm cảm sau sinh là một căn bệnh chứ không đơn thuần là một loại cảm xúc sinh lý. Vì vậy, trầm cảm sau sinh cần được nhận thức như một mặt bệnh về sức khỏe tâm thần tương tự như các bệnh thực thể khác.
Trầm cảm sau sinh cần được chẩn đoán bởi bác sĩ tâm thần và bệnh nhân trầm cảm cần nhận được sự hỗ trợ, điều trị từ nhiều phía bao gồm: bản thân người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và xã hội.
Về phía người bệnh: Các sản phụ sau sinh cần chú ý tới cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình để kịp thời phát hiện ra các bất thường. Các chị em nên chia sẻ tâm trạng của mình với người thân để nhận được sự hỗ trợ và đồng hành thay vì cố kìm nén giữ cho riêng mình. Ngoài ra, các chị em không nên có thái độ giấu bệnh, hãy nhờ tới sự giúp đỡ của gia đình và các bác sĩ sớm để tránh bệnh diễn biến ngày càng nặng hơn để lại những hậu quả đáng tiếc.
Về phía gia đình: Thời điểm sau sinh là thời điểm rất nhạy cảm đối với các chị em phụ nữ. Vì vậy, đối với tình trạng bệnh của chị em, gia đình cần cởi mở và hỗ trợ hết sức trong việc trị liệu, phục hồi cho người bệnh.
Gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh vì các thành viên trong gia đình là những người gần gũi nhất đối với người bệnh, có thể đưa người bệnh đi khám và theo dõi tình trạng của người bệnh giúp bác sĩ. Một thái độ quan tâm và đồng cảm sẽ là liều thuốc quý giá nhất dành cho người bệnh lúc này.
Về phía xã hội: Với sự phát triển của xã hội, các bệnh về sức khỏe tâm thần ngày một được đón nhận nhiều hơn. Tuy nhiên, sự kỳ thị, coi nhẹ của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể trở thành giọt nước tràn ly đẩy người bệnh tới bờ vực thẳm. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta luôn cần đồng cảm, sẻ chia và có thái độ tôn trọng đối với bệnh nhân và tình trạng bệnh của họ.
Về phía hệ thống y tế: Trầm cảm sau sinh là một thể bệnh, vì vậy các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị cũng như theo dõi sát người bệnh. Chúng ta cần chủ động sàng lọc các bệnh nhân trầm cảm sau sinh để các sản phụ có thể được phát hiện sớm, được thăm khám điều trị bởi các chuyên gia y tế.