Qua đó, ngày 6/3, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh đã ký và ban hành văn bản số 121/PGV-UBND, giao cho Phòng GD&ĐT, Công an huyện và UBND 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về việc kiểm tra, rà soát các khối trường Mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Theo sơ bộ Phòng GD&ĐT huyện báo cáo, tính đến ngày 5/3/2023, trên toàn địa bàn Thường Tín có 30 trường Mầm non công lập, 2 trường Mầm non ngoài công lập, 42 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với tổng 15.903 trẻ ra lớp/686 nhóm lớp.
Bên cạnh đó, còn có đội ngũ giáo viên, nhân viên với 86 cán bộ quản lý, 1.156 giáo viên và 414 nhân viên. Ngoài ra, trên địa bàn hiện còn có khoảng 21 cơ sở Mầm non tư thục chưa được cấp phép tập trung tại xã Hồng Vân, Liên Phương, Nguyễn Trãi, Ninh Sở, Quất Động, Vạn Điểm…
Mặc dù, thời gian qua UBND huyện đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ANTT tại các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục Mầm non và một số cơ sở Mầm non tư thục chưa được cấp phép.
Do vậy, để làm tốt công tác quản lý nhà nước, đảm bảo ANTT tại các cơ sở giáo dục Mầm non tư thục, UBND huyện Thường Tín yêu cầu Phòng GD&ĐT, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, điều tra cơ bản đối với các cơ sở giáo dục Mầm non tư thục, tự lập, không phép, không đủ điều kiện hoạt động.
Đồng thời, giao cho Phòng GD&ĐT phối hợp với Công an huyện báo cáo Chủ tịch UBND huyện kết quả rà soát, điều tra cơ bản trước ngày 10/3/2023. Trên cơ sở rà soát, điều tra cơ bản, Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở giáo dục, cá nhân vi phạm.
Trước đó, theo điều tra, khoảng 17h ngày 1/3, Công an huyện Thường Tín nhận trình báo việc cháu bé 17 tháng tuổi Phạm Tiến Đạt trú ở thôn Đặng xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín tử vong nghi bị ngã trong khi gửi tại cơ sở trông giữ trẻ tự phát trên địa bàn.
Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thường Tín đã triệu tập hai bảo mẫu trông giữ trẻ là An và Lành lên làm việc. Tại cơ quan Công an, ban đầu hai bị can khai bé trai tự ngã, không bị tác động bên ngoài.
Tuy nhiên, đối chiếu với bằng chứng, tài liệu, kết hợp với quá trình đấu tranh với An và Lành, các điều tra viên nhận thấy nhiều điểm bất thường. Hai bị can sau đó thay đổi lời khai, nói Lành đi lùi va vào cháu Đạt làm bé ngã ra nền nhà và An bế trượt bé làm nạn nhân ngã đập đầu.
Với lời khai này, các điều tra viên nhận thấy nhiều điểm bất thường và không phù hợp với dấu vết thương tích trên người nạn nhân nên tiếp tục đấu tranh. Sau khoảng một ngày, An và Lành đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành bé Đạt dẫn đến thương tích khiến nạn nhân tử vong.
Theo đó, sáng 23/2, Đạt được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, khi các cháu được đưa vào phòng ngủ thì Đạt khóc, chạy ra ngoài. Thấy vậy, Lành bực tức, dùng hai tay bế Đạt lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà.
Sau đó, Lành dùng tay tát nạn nhân. Trong khi An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu bé. Khoảng 16h30 cùng ngày, khi bố mẹ bé đến đón con, hai nghi phạm nói là cháu Đạt tự ngã.
Trong các ngày 24, 25, 26/2, Đạt tiếp tục được bố mẹ đưa đến lớp. Đến sáng 26/2, khi thấy Đạt khóc, An lại dùng chân đạp vào bụng bé. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Lúc này, An và Lành gọi điện cho gia đình bé sau đó cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Kết quả sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của bé Đạt là chấn thương sọ não, chảy máu và phù não. Qua đấu tranh, hai bị can này còn khai nhận nhiều lần bạo hành cháu Đạt để rèn vào quy củ của lớp vì bé là học sinh mới.
Quá trình làm việc với cơ quan Cảnh sát điều tra, bị can An và Lành đều rất ân hận, bật khóc khi kể lại hành vi tội lỗi của bản thân và xin gia đình bé trai 17 tháng tuổi tha thứ, để có cơ hội làm lại cuộc đời.