Vụ việc 18 trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) bị tiêm nhầm vắc-xin Covid-19 được đánh giá là sự cố rất nghiêm trọng.
Mặc dù, đến nay hầu hết các cháu bị tiêm nhầm vắc-xin đều tỉnh táo, ăn bú tốt, một số cháu có biểu hiện sốt, quấy khóc, kém ăn đã đỡ, tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng cần theo dõi sức khỏe của trẻ về lâu dài.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng nhân viên y tế trong dây chuyền tiêm cho 18 cháu bé ở Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai đã thực hiện không đúng quy trình nên đã dẫn đến những sai sót rất nghiêm trọng.
"Việc tiêm nhầm vắc-xin chắc chắn là do sai sót về quy trình và kỹ thuật. Trong vụ việc này, nhân viên y tế đã không thực hiện đúng hướng dẫn quy trình về 3 tra, 5 đối (3 kiểm tra gồm họ tên người bệnh - tên thuốc - liều dùng; 5 đối chiếu gồm: Số giường, số phòng bệnh - đường dùng - nhãn thuốc - chất lượng - thời gian). Trước khi tiêm, lẽ ra người tiêm phải nói với phụ huynh là sẽ tiêm loại vắc-xin gì để 2 bên cùng kiểm tra”- PGS Phu nói.
Cùng đó, các chuyên gia cho rằng việc nhầm này do sự sắp xếp bảo quản vắc-xin chưa khoa học nên dẫn đến sự cố nghiêm trọng. "Vắc-xin 5 trong 1 đóng lọ 1 liều 0,5 ml/lọ quy cách tiêm hút thẳng vào xi-lanh, còn vắc-xin Pfrzer, 1 lọ có 6 liều phải pha dung môi mới được tiêm. Trong khi đó, mỗi trẻ này đã được nhân viên y tế tiêm luôn một lọ vắc-xin Pfrzer chưa pha dung môi"
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết lọ vắc-xin Pfrzer nếu chưa pha dung môi sẽ là 0,45 ml/lọ và nếu được hút ra sẽ tương đương với lọ vắc-xin 5 trong 1.
"Đây là sự cố nghiêm trọng và không chấp nhận được. Sai sót này cần xử lý nghiêm. Từ sự cố này, các cơ sở cần rà soát lại, đánh giá lại, thậm chí tập huấn lại về tiêm chủng"- bác sĩ Thái nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù hiện nay sức khỏe của 18 trẻ đã tương đối ổn định sau vài ngày bị tiêm nhầm vắc-xin nhưng vẫn cần theo dõi lâu dài vì đến nay Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi.
"Trước mắt, cần tập trung theo dõi sức khỏe của các cháu để nếu có bất thường thì xử lý được kịp thời. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã quyết định đưa các cháu đến Bệnh viện Xanh Pôn - cơ sở điều trị cao nhất của thành phố. Đến thời điểm này chưa có diễn biến gì phức tạp, cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của các cháu"- ông Phu nói.
Vắc-xin 5 trong 1 và vắc-xin Covid-19 - Ảnh: Hạnh Nguyên
Một số bác sĩ nhi khoa cũng cho biết tất cả tác dụng phụ của vắc-xin Covid-19 chưa ai biết được vì thời gian tiêm vắc-xin này với chỉ được triển khai lâu nhất là trong hơn 1 năm qua. Một liều vắc-xin của người lớn đã là nhiều đối với trẻ con rồi, trong khi đó một trẻ đã tiêm tới 6 liều, do đó, trẻ cần được theo dõi sức khỏe định kỳ.
Sự cố tiêm nhầm vắc-xin đã từng xảy ra ở tại Quảng Trị khiến 3 trẻ tử vong do bị tiêm nhầm thuốc co bóp tử cung thay vì tiêm vắc-xin viêm gan B. Tỉnh Bắc Ninh từng xảy ra việc tiêm nhầm vắc-xin DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván) thay vì tiêm chủng vắc-xin AT (Uốn ván) cho 31 phụ nữ có thai do sai sót của cán bộ y tế.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 3-11 Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai đã tiêm nhầm vắc-xin Comirnaty của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 cháu bé từ 2 đến 6 tháng tuổi. Ngày 4-11, sự cố trên được phát hiện và báo cáo tới Sở Y tế Hà Nội.
Ngày 5-11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xác minh sự việc nêu trên, kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn tới sai sót và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định.