Ở vùng quê của chị Trần Thị Hương (Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), con gái thường lấy chồng sớm. Cũng như bao người con gái khác, chị Hương (sinh năm 1992) đủ 18 tuổi thì đi lấy chồng.
Sau một năm lấy anh Đàm Văn Tuân (sinh năm 1988), hai vợ chồng dù quan hệ bình thường nhưng không có tin vui. Nghe theo lời khuyên của người thân, chị Hương đi cắt thuốc bổ về uống. Bã thuốc uống chất thành đống mà tin vui chẳng thấy đến.
Đi tới đâu, chị Hương cũng nghe người dân nói bóng gió: "Sao lấy nhau lâu vậy vẫn kế hoạch?". Có người ác ý còn nói: "Cây khô không trái, người độc không con". Chị Hương ấm ức vô cùng nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Bản thân chị Hương và anh Tuân cũng muốn có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Dành dụm được một số tiền nhỏ, vợ chồng chị dắt nhau xuống Hà Nội khám.
Nhận kết quả khám từ bác sĩ, chị Hương mừng tới phát khóc vì khả năng sinh sản của chị rất tốt. Mọi ấm ức trong lòng chị được cởi bỏ. Nhưng ngay sau đó, bác sĩ thông báo tinh trùng của anh Tuân ít và đa phần trong đó bị dị dạng do hậu quả của quai bị. Cơ hội để có con của 2 vợ chồng gần như bằng 0, cách duy nhất là can thiệp làm IVF.
Nhưng muốn làm IVF thì cần một khoản tiền rất lớn, kinh tế của 2 vợ chồng chỉ gắn liền với mấy sào ruộng, vài con lợn và con bò. Chị Hương bắt đầu đi chợ bán rau, hoa quả nhưng rau, quả ế ẩm rồi cũng hết vốn. Chị lại quay sang đi nhặt, mua sắt vụn quanh vùng nhưng tiền lãi về cũng chẳng được là bao. Còn với anh Tuân, bác sĩ dặn cần phải nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức để cải thiện chất lượng tinh trùng nên anh ở nhà nuôi thêm con gà, con lợn.
Chị Hương chia sẻ: "Cách duy nhất để sinh con là làm IVF nhưng số tiền làm là rất lớn, giờ 2 vợ chồng ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng thì bao giờ mới có tiền. Năm 2016, tôi quyết định đi làm công ty, lúc đó bắt đầu tích góp có chút tiền dư".
3 năm đi làm công nhân, ăn uống kham khổ, không dám mua sắm bất cứ thứ gì có giá trị, đến năm 2019, chị Hương cũng có 40 triệu trong tay. Cộng thêm việc vay mượn người thân trong gia đình, chị Hương có 120 triệu để đi làm IVF.
Với khát khao muốn có con, 2 vợ chồng chị Hương đã xuống Hà Nội làm IVF, tạo được 9 phôi nhưng 2 lần chuyển phôi đều thất bại.
"Cả hai vợ chồng tôi lúc đó đã rất chán nản, sức cùng lực kiệt. Chồng tôi thương vợ đã đề nghị ly hôn để vợ đi lấy người khác. Chồng tôi nói: "Em đã vất vả vì anh nhiều rồi, mình đã cố gắng rồi… Em đừng vì anh nữa, tìm một người mới có thể mang lại hạnh phúc cho em". Nghe những lời nói của chồng tôi rất buồn và có nói với chồng: "Vợ chồng mình cứ cố gắng, tới lúc nào không thể nữa thì dừng", chị Hương nói.
Như một cơ duyên diệu kỳ, chị Hương đã biết tới chương trình hỗ trợ sinh sản cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng chị Hương động viên nhau cố gắng thêm một lần nữa, biết đâu "con đến".
Năm 2021, vợ chồng chị Hương khăn gói xuống Hà Nội làm hỗ trợ sinh sản, lấy được 12 phôi. Trong cùng năm đó, chị Hương chuyển phôi 2 lần nhưng đều thất bại. Tháng 6/2021, chị Hương tiếp tục chuyển phôi lần thứ 3, lần này thành công, nhưng mang thai tới tuần thứ 8 thì không giữ được con.
"Cả 2 vợ chồng tôi đều buồn lắm. Bản thân tôi nghĩ mình cũng có vấn đề nên mới khó có con vậy. Tôi muốn buông xuôi và chấp nhận ly hôn để giải thoát cho cả hai. Tôi không còn thiết tha tới lần chuyển thôi lần thứ tư nữa", chị Hương nói.
Sau nỗi đau mất con, dần chị Hương cũng tỉnh táo lấy lại tinh thần, năm 2022 với sự động viên của gia đình, chị Hương và anh Tuân đi chuyển phôi lần cuối. Hạnh phúc đã "gõ cửa" căn nhà bé nhỏ của vợ chồng chị Hương.
Thêm lửa hạnh phúc cho những cặp đôi
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội chia sẻ trong nhiều năm qua, hàng chục nghìn gia đình hiếm muộn đến thăm khám và điều trị, có rất nhiều trường hợp thành công mà câu chuyện xúc động. Những câu chuyện của họ là minh chứng cho những điều "kỳ diệu" của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Theo chuyên gia nam học, đa phần các trường hợp hiếm muộn, chậm có con, mọi người sẽ nghĩ tới nguyên nhân do người vợ. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, giữa tình dục và sinh sản có sự khác nhau, khi nam giới hoạt động tình dục, việc xuất tinh trong âm đạo người phụ nữ chỉ là một điều kiện để có con tự nhiên. Có nhiều đấng mày râu khi xuất tinh không có tinh trùng trong tinh dịch dẫn đến việc có con tự nhiên là không thể.
Với những trường hợp biến chứng của quai bị dẫn đến không có tinh trùng trong tinh dịch (vô tinh), dù nam giới có xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch.
Đối với trường hợp này, phương án điều trị thường là áp dụng phẫu thuật vi phẫu mô tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ.