Hôm 12-5 là lần thứ 2 trong vòng 3 ngày, các bác sĩ đầu ngành ghép tạng, điều trị hồi sức tích cực, hô hấp của cả miền Bắc, Trung, Nam hội chẩn tìm biện pháp điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh.
Đây là một ca bệnh rất khó, bệnh nhân đã thở khó, ăn ít từ những ngày đầu tiên vào viện, tuổi còn trẻ (43 tuổi) nhưng nặng tới 100kg và thuộc nhóm có nguy cơ biến chứng.
Hiện phổi của bệnh nhân đã đông đặc gần như toàn bộ, cơ hội hồi phục 2 lá phổi rất thấp. Trong tình huống này, 1 tuần trước, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất ghép phổi cho bệnh nhân.
"Quan điểm của hội đồng chuyên môn, của các thành viên tham gia cuộc hội chẩn là còn nước còn tát, không phải vì giữ con số 0 người tử vong trong dịch COVID-19 này ở Việt Nam" - một thành viên của nhóm chuyên gia tham gia hội chẩn cho biết.
Kết quả CT scan phổi bệnh nhân 91 - phi công người Anh cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ chết nếu dứt ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, thiết bị hỗ trợ thay thế tim phổi), vì vậy cách duy nhất để cứu bệnh nhân là ghép phổi.
Ông NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM)
Cứu người đến cùng vì lương tâm nghề nghiệp
"Thông tin cho đến nay cho biết cơ quan chức năng của Anh mới tìm được người cô của bệnh nhân, bệnh nhân chưa có vợ con và không bố mẹ (vì lý do nào đó chưa rõ, hoặc có thể là cha mẹ không còn).
Trong hội chẩn ngày 12-5, Bộ Y tế đã liên lạc với hãng hàng không và hãng hàng không cũng cho biết phi công người Anh bay cho hãng này thông qua một công ty điều phối nhân lực hàng không, không phải phi công cơ hữu của hãng" - đại diện Bộ Y tế cho biết. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, bệnh nhân người Anh này mồ côi và chưa có vợ con.
Bệnh nhân đang thập tử nhất sinh, phổi gần như đông đặc, xét nghiệm lúc âm tính nhưng lúc lại dương tính với COVID-19 (kết quả xét nghiệm gần nhất đã âm tính), có lúc rối loạn đông máu đến mức phải thay quả lọc nhiều lần, không đáp ứng với thuốc điều trị rối loạn đông máu hiện có, bệnh viện phải nhập thuốc từ nước ngoài để chữa trị và sắp tới chỉ còn phương án ghép phổi cho bệnh nhân là hi vọng cuối cùng.
Tìm nguồn từ người chết não hoặc thân nhân
Đại diện Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia - đơn vị được Bộ Y tế giao tham gia làm đầu mối ca ghép cho bệnh nhân kể câu chuyện về 2 người dân Việt Nam gọi đến trung tâm, sẵn sàng hiến tặng một phần lá phổi của mình cho phi công người Anh.
Một trong hai người là cựu chiến binh ở Tây Nguyên, đã gọi đến trung tâm 2 lần đề nghị nguyện vọng này. Và người còn lại là một phụ nữ đã tham gia nhiều công việc thiện nguyện, gọi đến trung tâm bày tỏ mong muốn sẵn sàng hiến tặng một phần lá phổi.
"Chúng tôi rất xúc động trước đề nghị chân thành của 2 người tình nguyện đó, nhưng trong điều kiện hiện tại không thể nhận phổi hiến tặng từ người cho còn sống, nhất là người cựu chiến binh đã lớn tuổi. Nguồn phổi hiến tặng đang được tìm từ những người chết não. Vài ngày trước đã có một lá phổi hiến như vậy, nhưng người hiến tặng phổi cũng có tình trạng nhiễm trùng, do đó không thể được như tâm nguyện" - vị đại diện này cho biết.
Các bác sĩ vẫn đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể ghép phổi cho bệnh nhân. Cụ thể, điều trị đảm bảo âm tính với virus corona, sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi tìm được phổi hiến tặng phù hợp với bệnh nhân về sinh hóa, miễn dịch, kích thước lá phổi, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức và nhiều bệnh viện khác ghép phổi tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phổi của bệnh nhân 91 chỉ còn 10% hoạt động
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 13-5, kết quả CT scan phổi cho thấy bệnh nhân 91 - phi công người Anh đã bị xơ hóa đông đặc toàn bộ 2 phổi, chỉ 10% vùng phổi còn hoạt động. Ống dẫn lưu màng phổi có dịch màu vàng, phớt hồng ít, không ghi nhận xuất huyết khác. Bệnh nhân hiện nằm yên, sử dụng thuốc an thần.
Bệnh nhân tiếp tục thở máy và được mở khí quản ngày thứ 20, sử dụng máy ECMO đến ngày thứ 38, lọc máu, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi, tiên lượng xấu. Trước đó, qua hội chẩn trực tuyến với Bộ Y tế, bệnh nhân 91 có chỉ định ghép phổi. Khi bệnh nhân sạch virus sẽ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị ghép phổi.
Một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hướng chuyển bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy là một hướng điều trị cho bệnh nhân này. Tuy nhiên, đến nay bệnh nhân vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Bệnh nhân 91 ngụ tại Q.2, từ ngày 13 đến 18-3 lưu trú tại TP.HCM, có tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha bar ở Q.2. Ngày 17-3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho. Đến chiều 18-3, bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám và được xác định dương tính với COVID-19 và được theo dõi, điều trị tại bệnh viện này.
Bộ Y tế Việt Nam đã mời những bác sĩ giỏi nhất, cố gắng hết sức, "còn nước còn tát" cứu một bệnh nhân đang trong giai đoạn khó khăn, rất nguy cấp. Mong rằng phi công người Anh - bệnh nhân 91 - sẽ được bình an quay lại với buồng lái và bầu trời.
Theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả. Ghép phổi là cơ hội cuối cùng. Phổi ở đây có thể từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống (phải là người thân của bệnh nhân).
Đánh giá hiệu quả vắcxin ngừa COVID-19 của Việt Nam
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt - giám đốc Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế, hôm nay 14-5, nhóm nghiên cứu vắcxin COVID-19 của công ty sẽ lấy mẫu máu chuột đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cách đây hơn 2 tuần để chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nghiên cứu hiệu quả sinh kháng thể với virus sau tiêm.
Đã có 50 con chuột thí nghiệm được tiêm hôm 26-4 vừa qua, hiện tất cả lô chuột này đều khỏe, đánh giá ban đầu là vắcxin an toàn. Sau khi lấy mẫu máu chuột nghiên cứu hiệu quả sinh kháng thể sẽ đánh giá thêm được về chỉ số hiệu quả phòng bệnh của vắcxin.
Cuối tháng 5 này, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm tiếp cho một lô chuột khác có 30 con để dò liều vắcxin. Hiện có khoảng 80 nhà nghiên cứu phát triển vắcxin khắp thế giới đang thử nghiệm vắcxin cùng giai đoạn tương tự Việt Nam, có 8 nhà sản xuất đang tiến hành thử nghiệm trên người.