Học sinh đánh nhau, người lớn “nhức não”
Nửa tháng sau khi bị bạn học lột đồ, đánh hội đồng tới mức phải nhập viện tâm thần, em H.Y, nữ sinh ở Hưng Yên vẫn ở nhà, chưa thể tới trường. Sáng 8/4, chú ruột của em Y cho biết đêm ngủ em vẫn mê sảng, giật mình tỉnh giấc, mãi sau mới ngủ lại được.
Vụ việc này chưa lắng xuống thì tiếp tục xảy ra loạt vụ học sinh đánh nhau khác. Ngày 1/4, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip quay cảnh nhóm học sinh bắt một nữ sinh quỳ xuống đất để cả nhóm chửi bới, đe dọa và đánh đập.
Được biết đoạn video được quay vào chiều hôm qua 31/3, trong đó có học sinh Trường THCS Diễn Kim và Trường THCS Diễn Hùng.
Sáng ngày 7/4, một clip được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh nữ sinh Nguyễn Thị Hồng L. bị nhóm học sinh khác hành hung. Nạn nhân nhập viện cấp cứu với chẩn đoán tụ máu dưới da đầu.
Hàng loạt vụ việc học sinh đánh nhau gây ra hậu quả không nhỏ về mặt sức khỏe, tinh thần cho nạn nhân.
Còn với các bậc phụ huynh, ai cũng cảm thấy bất an khi đưa con tới trường. Câu hỏi nhức nhối dư luận đặt ra là, hình thức xử lý nào thích đáng cho những học sinh “côn đồ” để hạn chế các vụ việc như đã xảy ra?
Luật sư nói... “khó”!
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vấn đề xử lý thế nào khi học sinh đánh bạn dã man – điển hình như vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hưng Yên tới mức nhập viện tâm thần gây rúng động dư luận. Luật sư Nguyễn Hưng, Công ty luật The Light nhận định những vụ việc như vậy ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sức khỏe của các em.
Tuy nhiên, điều đáng nói là với những vụ việc học sinh đánh nhau như vậy, gần như không thể xử lý hình sự người vi phạm.
“Bộ luật hình sự 2015 đã quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về những loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, gây hậu quả chết người, tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy.
Trong trường hợp này, những em học sinh vi phạm đều trong độ tuổi chưa vị thành niên. Chấn thương của nạn nhân không đủ gây thương tích nặng.
Chính vì thế, xử lý vẫn chỉ áp dụng ở gia đình, nhà trường. Phương pháp xử lý chủ yếu là đình chỉ học một thời gian ngắn, sau đó giáo dục, tuyên truyền để các em hiểu ra hành vi sai trái của mình”, Luật sư Hưng phân tích.
Theo luật sư Hưng, khi khung pháp lý chưa đủ mạnh để bảo vệ nạn nhân, không thể xử lý hình sự thì để trả lời thỏa đáng câu hỏi “làm thế nào để xử lý học sinh đánh đập bạn học?” là rất khó.
Có ý kiến cho rằng cho các đối tượng “cá biệt”, “bất trị” nghỉ học để “làm sạch” môi trường giáo dục.
“Đây không phải là một giải pháp hay bởi các em là những người cần được gia đình, nhà trường chung tay vào giáo dục hơn bao giờ hết. Đã thuộc trường hợp “cá biệt”, lại buông lỏng giáo dục, cách ly thì có thể làm “hỏng” các em”, Luật sư Hưng nói.
Nói về ý kiến đưa học sinh cá biệt vào trường giáo dưỡng, luật sư Hưng khẳng định không nên và vi phạm của các em chưa đến mức vào trường giáo dưỡng.
Bởi theo quy định pháp luật, các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng gồm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự. Nguyên tắc đưa vào trường giáo dưỡng theo điều 92 luật xử lý vi phạm hành chính.
“Tôi cho rằng, hiện biện pháp hiệu quả nhất vẫn là sự chung tay giáo dục, tuyên truyền của gia đình, nhà trường.
Mọi biện pháp xử lý nặng nề sẽ để lại hậu quả không thể đo đếm được trong tương lai. Giáo dục trẻ ở độ tuổi bồng bột, thích thể hiện, biện pháp duy nhất là làm sao chạm vào trái tim các em, để các em nhận ra hành vi sai trái của mình và không tái phạm”, Luật sư Hưng bày tỏ.