Mới cưới nhau được nửa năm mà Hương (Ba Vì, Hà Nội) đã sụt mất mấy cân mà nguyên nhân chỉ vì chồng cô quá khó tính.
"Ngày yêu nhau, anh ấy cũng tỏ ra khó tính, nhưng tôi lại nghĩ đó là vì anh kỹ tính. Nhưng cưới nhau về rồi mới thấy việc anh khó tính thật sự uy hiếp tinh thần của tôi rất nhiều!", Hương kể.
"Đồ đạc trong nhà phải để theo đúng ý anh. Tôi chỉ cần để sai vị trí là anh tỏ ra không vui. Tôi vốn là người thích bày biện khi nấu ăn, còn anh thì đơn giản. Vì thế, chỉ cần nấu trễ một chút, không đúng thời gian dự tính của anh là anh cằn nhằn và bảo thôi dẹp đi ăn hàng cho nhanh. Đặc biệt chỗ làm việc của anh thì đúng là không ai có thể sờ vào. Lệch một món đồ là anh biết ngay và có ý kiến. Nên nhiều lúc, tôi mặc kệ thì anh lại kêu là vợ không biết chăm chồng. Cứ như vậy, vợ chồng trục trặc vì những việc rất cỏn con khiến tôi mệt mỏi", Hương than thở.
Thu Huệ (Đống Đa, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh stress như Hương khi gặp phải chồng quá khó tính. "Cơm anh nấu thì khen ngon, còn cơm vợ nấu thì chê lên chê xuống, quyết định mọi chuyện mà không hề hỏi ý kiến tôi. Mọi chuyện trong nhà anh chỉ nói với mẹ, không bao giờ nói với tôi, nhiều khi tôi cảm thấy mình như người thừa. Chuyện con cái tôi không được tự ý quyết định, cho con khám ở đâu, uống thuốc gì chồng cũng không tin tưởng vợ đi mua mà tự đi. Tôi cho con uống thuốc gì anh cũng phải kiểm tra lại, trong khi tôi không phải người vợ ẩu đoảng. Hầu như tôi động vào thứ gì là anh nói rất khó nghe, châm biếm đủ kiểu". Chị Huệ tâm sự.
Và đó cũng là lý do khiến những năm tháng sống cùng chồng là những ngày chị cảm thấy mệt mỏi và stresss.
Thực tế câu chuyện của Hương hay Huệ gặp phải là câu chuyện của không ít chị em sau nhiều năm chung sống. Khởi đầu luôn tốt đẹp, nhưng những va chạm của cuộc sống gia đình là không tránh khỏi. Khi đó trong mắt chị em, chồng trở nên khó tính "khác lạ". Kỳ thực đó là tâm lý bình thường xảy ra với nhiều người.
"Đa số đàn ông lập gia đình từ 5 đến 10 năm đều thay đổi tính nết, trở thành người khó tính, hay gắt gỏng và dễ nổi nóng". Đó là kết luận của Tiến sĩ Tâm lý học Jerry Gilles, Giảng viên Đại học Harvard khi nghiên cứu về vai trò người vợ trong những gia đình gặp người chồng hay cau có, gắt gỏng.
Nghiên cứu cũng đồng thời cảnh báo: "Trong giai đoạn này, người vợ nếu không nhanh nhạy thích ứng với hoàn cảnh, đối phó một cách tế nhị là gia đình sẽ rất dễ bị đổ vỡ"
Nghiên cứu chỉ ra rằng, xung đột gia đình là điều tất yếu phải xảy ra, nhưng người vợ phải biết cách chấm dứt chiến tranh lạnh trước khi nó trở thành xung đột lớn. Nghĩa là người vợ phải chủ động tìm cách hoà giải, phải hiểu một điều là khi chồng gây gổ chẳng qua do họ phải làm việc quá mệt, gặp những trắc trở, thất bại trong công việc. Điều đó đòi hỏi người vợ phải thật bình tĩnh, kiềm chế không đổ dầu thêm vào lửa, khơi gợi chồng nói ra được những điều bực bội, ấm ức trong lòng. Chính sự cảm thông của người vợ sẽ làm cho không khí gia đình bớt căng thẳng.
Khi người vợ hiểu được căn nguyên từ những cơn bực tức, sẽ đồng thời biết cách cảm thông và điều tiết chính cảm xúc của mình để không bị cuốn vào dòng cảm xúc đang nóng bừng trong chồng, khi đó mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và có một thực tế rằng, người chồng khó tính ở điểm này nhưng lại dễ tính ở điểm khác. Nếu người vợ biết nhìn nhận ra được các góc khác nhau từ chồng mình, "biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Không khí gia đình sẽ bớt căng thẳng và cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn.