Biết được hoàn cảnh của bé Trần Thị Hoa Lê, chúng tôi tìm về gia đình anh Trần Văn Phùng (1976) chị Trần Thị Giang (1983) ở xóm Trung Hồng xã Nhân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An). Bước chân vào đầu ngõ, chúng tôi đã nghe tiếng khóc yếu ớt của trẻ con mới chào đời. Trong căn nhà cấp bốn ngặt mùi thuốc tây bốc lên nồng nặc. Tiếng ru à ơi của chị Giang cũng không thể làm dứt được tiếng khóc nấc từng nhịp của đứa trẻ.
Bé Trần Thị Hoa Lê lúc mới chào đời nặng chỉ 900g nhưng đã mang trong người nhiều bệnh khiến cháu phải sống trong lồng kính. Ảnh: Xuân Thủy
Bất ngờ trước sự có mặt của chúng tôi, chị Giang ngước mặt nhìn lên rồi lặng lẽ quay mặt vào trong, dùng tay lau vội những giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má tự bao giờ. Căn nhà lặng im một hồi, chị Giang như tìm được nơi sẻ chia nỗi lòng của mình. Nhìn ra ngoài cửa, chị ngậm ngùi: “Vợ chồng cưới nhau năm 2009 rồi quyết định sinh cháu đầu Trần Anh Huyền năm 2010. Gia cảnh khó khăn, đong đếm từng ngày, cuộc sống chật vật mãi tới năm 2017 mới quyết định sinh đứa thứ 2. Nhưng vì sinh non nên cháu đã không qua khỏi.”
Nhắc đến đứa con thứ hai chưa kịp đặt tên đã rời xa bố mẹ, chị Giang cúi mặt nhìn xuống đứa con thứ 3 mình đang ẵm trên tay. Bé là Trần Thị Hoa Lê mới chào đời được 3 tháng nhưng mang trong mình nhiều bệnh khiến cuộc sống của cháu lay lắt. Vì gia cảnh khó khăn quá buộc chị Giang và anh Phùng dứt lòng đưa cháu trở về nhà để tự chăm sóc.
“ Lúc mới sinh cháu chỉ nặng có 900g bệnh viện phải ở trong lồng kính để duy trì cuộc sống. Cầm trên tay bệnh án của con mà vợ chồng chết lặng. Cháu bị suy hô hấp, viêm phế quản nặng, tăng áp se phổi, thoát vị bẹn, rốn. Hai vợ chồng cố gắng xoay sở, vay mượn anh em với hàng xóm được ít tiền để chữa trị cho cháu. Đến nay đã 6 tháng trời ăn rồi ở bệnh viện ngoài Hà Nội, cũng đã hơn 200 triệu tiền chi phí. Trong nhà, lúa vụ vừa rồi cũng đã bán, đàn lợn nuôi tết cũng bán rồi, con trâu để anh Phùng đi cày thuê ngày mùa cũng bán. Giờ nhà chẳng có gì để bán nữa.”- Chị Giang nghẹn ngào.
Trước khi sinh bé Lê, hai vợ chồng đã phải ở dưới bệnh viện Sản Nhi Nghệ An suốt 3 tháng trời để theo dõi thai nhi. Khi sinh bé ra vì tiên lượng sức khỏe bé yếu nên anh chị đã đưa cháu ra Hà Nội điều trị. Ở Hà Nội mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều đắt đỏ nên ở với vợ được ít ngày anh Phùng về nhà để xoay sở tiền nong gửi ra cho vợ.
“Ở ngoài Hà Nội vợ chồng chỉ dám ăn bánh mỳ để qua bữa, sức khỏe con yếu phải ở trong lồng kính nên chi phí chữa trị rất nhiều. Về đến nhà tất cả những gì bán được đều phải bán hết. Ban ngày ai thuê gì làm nấy, từ phụ hồ đến bóc gỗ tràm, cắt cỏ, cày ruộng thuê….Đến chiều tối về nhà ăn bát cơm nguội rồi đi thả ống lươn. Sáng sớm tinh mơ dậy đi lấy ống lươn để kịp đem ra chợ bán. Mỗi ngày tích góp được một ít đem gửi ra cho vợ.”- Anh Phùng ngậm ngùi trong nước mắt.
Từ ngày phải đành lòng đưa cháu ở bệnh viện ngoài Hà Nội về nhà chăm sóc cũng đã hai tuần. Thời tiết ở nhà trở lạnh, gương mặt bé Lê tím tái, hơi thở yếu ớt, tiếng khóc nấc từng nhịpt. Kể từ ngày chăm sóc lo lắng cho con chị Giang gầy gò, tiều tụy hơn rất nhiều bởi căn bệnh lách to, rối loạn tiền đình, dạ dày HB dương tính.
Thương vợ chồng con vất vả, bà ngoại bé Lê xuống phụ giúp anh chị việc nhà cửa. Nhìn đứa cháu ngoại đang tím tái vì lạnh, hơi thở yếu ớt, người bà đã gần 70 tuổi chỉ biết lặng im. Thay chị Giang ẵm ru cháu ngủ, ánh mắt của người bà lộ rõ sự lo lắng. Lo cho cháu liệu có qua khỏi hay cũng theo đứa cháu trước rời xa bố mẹ.
“Con Giang thì ốm đau liên miên, nhiều căn bệnh hành hạ nó. Thằng Phùng sức khỏe cũng yếu, số phận cuộc đời hai vợ chồng nó éo le quá. Mặc dù đói khổ là thế, nhưng vợ chồng nó không đành lòng nhìn đứa cháu ruột mồ côi cha mẹ sống bơ vơ. Đã hơn 10 năm qua hai vợ chồng đưa đứa cháu ấy về chăm nom, ăn học như con. Nhưng quá khó khăn nên đứa cháu xin vào miền Nam để làm thuê. Giờ cả gia đình chỉ biết cầu mong một phép màu nào đó để cháu Lê được chữa khỏi bệnh, khỏe mạnh đã hạnh phúc lắm rồi. Tôi sợ lắm cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.”- Bà Sơn (Bà ngoại bé Lê) sụt sùi trong nước mắt.
Tiếng khóc của bé Lê vẫn chưa dừng, tiếng ru vẫn cứ vang lên trong căn nhà nhỏ khiến ai nấy đều nao lòng. Bước chân ra về, chúng tôi co mình trong giá lạnh, rồi chợt nghĩ liệu có phép màu nào cứu được đứa bé ấy không, liệu đưa về nhà cháu có qua khỏi hay phải đầu hàng số phận.
Chúng tôi đem câu chuyện về hoàn cảnh của gia đình anh Phùng chia sẻ với ông Nguyễn Thọ Tuy, Chủ tịch UBND xã Nhân Thành, huyện Yên Thành. Ông Tuy cho biết: “Gia đình chị Giang là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn xã. Nhiều năm qua chính quyền cũng luôn quan tâm giúp đỡ nhưng do hoàn cảnh quá éo le nên giờ gia đình rơi vào thế cực cùng phải đưa cháu bé về nhà điều trị.
Nếu không kịp thời chữa trị, cháu Lê khó thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chúng tôi rất mong muốn các mạnh thường quân giúp đỡ cho gia đình để vượt qua khó khăn này”.
Mọi giúp đỡ cho gia đình chị Trần Thị Giang xin gửi về:
Địa chỉ: Xóm Trung Hồng xã Nhân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An).
ĐT: 0388.194.853 (Số điện thoại chị Giang)
Hoặc xin gửi về:
CƠ QUAN ĐẠI DIỆN BÁO GIA ĐÌNH VIỆT NAM TẠI TP HCM
Số tài khoản: 040 01 01 0085 449 - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), chi nhánh TP.HCM
Nội dung: Giúp đỡ bé Trần Thị Hoa Lê - Mã số 87
Với những độc giả ở nước ngoài muốn đóng góp ủng hộ, xin vui lòng gửi về:
Tên tài khoản: CƠ QUAN ĐẠI DIỆN BÁO GIA ĐÌNH VIỆT NAM TẠI TP HCM
Số tài khoản: 040 01 37 0038 251
Loại tiền: USD
Ngân hàng: Vietnam Maritime Commercial Stock Bank - HCM City Branch.
Mã số SWIFT (SWIFT Code): MCOBVNVX003
Mọi chi tiết xin liên hệ Email: info@phunusuckhoe.vn hoặc Số điện thoại: 0909 750 307
Trân trọng cảm ơn!