Bộ Y tế vừa xác nhận, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus corona trong phòng thí nghiệm. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.
Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, virus này được phân lập từ mẫu bệnh phẩm lấy từ người bệnh nhiễm tại Việt Nam. Chỉ những đơn vị nghiên cứu có nền tảng về thiết bị và kinh nghiệm mới phân lập được virus.
Trước đây, Việt Nam cũng đã phân lập được virus cúm gia cầm H5N1 và cũng đã phát triển vaccine ngừa cúm gia cầm trên người.
Bộ Y tế nhận định đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống virus corona trong tương lai, cũng như giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.
Cùng lúc, Bộ Y tế cũng cho hay Bộ Khoa học và công nghệ đã đặt hàng nhóm các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất bộ kit xét nghiệm virus corona trong vòng 2 tuần.
Theo Bộ Y tế, khi có bộ kit này, thời gian thực hiện và có kết quả xét nghiệm virus corona tại Việt Nam sẽ tương đương Trung Quốc hiện là khoảng 2 giờ (tính thời gian xét nghiệm) và dưới 4 giờ nếu tính cả thời gian chuẩn bị. Đây là thời gian xét nghiệm tìm virus corona được cho là nhanh nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến nay.
Như vậy, thời gian tới, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
Đánh giá về kết quả này, một chuyên gia Trung tâm công nghệ Gen cho rằng đây là thành công vượt bậc của Việt Nam. Vì tính đến thời điểm hiện tại, không nhiều nước thưc hiện được.
“Kết quả này mở ra bước tiến nhảy vọt, chúng ta có thể sản xuất được vaccine phòng ngừa virus Corona trong thời gian không xa”, vị chuyên gia này nhận định.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản tuyên bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới, lấy mẫu từ một bệnh nhân được phát hiện tại nước này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản sau khi lấy mẫu từ một trong các bệnh nhân đã nuôi cấy và cô lập thành công virus.
Phía Nhật Bản cũng sẵn sàng chia sẻ mẫu virus bị cô lập với các nhà nghiên cứu và công ty khác. Song song với việc nghiên cứu vaccine, Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cũng tiếp tục tìm hiểu sâu về cơ chế lây lan và độc tính của virus.
Mẫu virus bị cô lập có chuỗi gene trùng khớp 99,9% với kết quả do phía Trung Quốc công bố. Mẫu bị cô lập không bao gồm đột biến gene tăng khả năng lây nhiễm hoặc độc tính của virus.
Tương tự, ngày 1/2, Viện Pasteur của Pháp cũng xác nhận đã phân lập thành công toàn bộ gene của virus corona. Nghiên cứu dựa trên mẫu từ các ca nhiễm bệnh được phát hiện tại Pháp. Kết quả nuôi cấy giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu phương pháp điều trị, chẩn đoán và phòng ngừa.