Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ kém trong tháng 12 đã khiến cho hầu hết chị em thiếu hụt dưỡng chất và năng lượng vào tháng Giêng.
“Đó là những gì tôi quan sát được trong 2 thập kỷ qua”, Vitti, sáng lập viên của TT Hooc môn Flo Living, giải thích với Daily Mail Online. “Sau kỳ nghỉ, có rất nhiều thứ làm rối loạn hệ thống nội tiết, dẫn tới tình trạng không mong muốn vào tháng 1”.
“Giấc ngủ sẽ bị thay đổi bởi tiệc tùng, các sự kiện gia đình và những chuyến du lịch. Cùng với đó là cố gắng hoàn thành nốt công việc của năm trong căng thẳng. Hơn nữa, bạn ăn nhiều đường và tinh bột – những thứ vốn gây rối loạn nội tiết”
Tất cả những điều đó sẽ khiến bạn cạn kiệt các dưỡng chất thiết yếu trong cơ thể, vốn có nhiệm vụ cân bằng hoóc môn.
“Do đó, khi bước sang tháng Giêng, cơ thể bạn sẽ mất cân bằng hơn bình thường, hội chứng tiền kinh nguyệt và chuột rút cũng sẽ nặng hơn”.
Vitti nói thêm: “Đây chính là thời điểm bạn muốn cảm nhận sự tươi mới của năm mới nhưng điều này thực sự rất khó.
Vitti lý giải tình trạng sức khỏe tồi tệ vào tháng Giêng là đến từ 2 vấn đề chính:
1) Những căng thẳng và kiệt sức trong kỳ nghỉ lễ
Tất cả các loại hình du lịch và hoạt động đều sẽ khiến cơ thể sản sinh nhiều cortisol, hooc môn gây căng thẳng.
Nếu một người phụ nữ đang ở trong tình trạng rất căng thẳng, cơ thể sẽ sử dụng nhiều progesterone (1 hoóc môn sinh dục) để sản xuất nhiều cortisol hơn do cả 2 đều giống nhau về mặt phân tử.
Tuy nhiên, progesterone là những gì bạn cần để cân bằng với sự tăng đột biến của estrogen.
Và khi estrogen thống trị sẽ gây ra tất cả những gì khủng khiếp nhất: tăng cân, triệu chứng tiền kinh nguyệt, chuột rút, kiệt sức, da xấu, ngực căng và giảm sút nhu cầu tình dục.
Điều này có thể ngăn sự rụng trứng và kéo dài giai đoạn hoàng thể (lượng nội tiết tố progesterone bắt đầu tăng lên, báo hiệu rằng buồng trứng không cần phải sản xuất trứng nữa) khiến kỳ kinh của bạn không đến, tình trạng căng thẳng thêm gia tăng.
2) Thay đổi chế độ ăn uống
“Vào những ngày nghỉ, thức ăn chính là những thứ gây rối loạn nội tiết”, Vitti giải thích.
“Để hệ thống nội tiết hoạt động bình thường, nó cần các vật liệu là các vi chất dinh dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng sẽ bị cạn kiệt do các loại đồ uống có đường, bánh ngọt, các loại bột tinh chế mà chúng ta vốn ăn nhiều trong dịp lễ tết.
'”Các vi chất sẽ bị mất đi nhiều hơn khi bạn uống đồ uống có cafein. Điều tương tự xảy ra khi bạn uống rượu, ăn đồ ngọt và ít ngủ. Chúng gây ra tình trạng đường huyết thất thường, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh và khiến cơ thể càng thiếu vi chất hơn.
“Cuối cùng, tất cả các hoạt động và các bữa tối trong các kỳ nghỉ đều không những không bổ sung mà còn làm hao hụt dưỡng chất, khiến cho tình trạng thiếu chất càng thêm tồi tệ - và đó là lý do vì sao sang tháng Giêng, bạn thực sự bị hạ gục”.
Tình trạng sẽ tệ hơn với những phụ nữ có vấn đề ở tử cung (buồng trứng đa nang, u xơ tử cung) và dùng các biện pháp tránh thai dạng hooc môn. Trong đó, dùng thuốc tránh thai sẽ làm giảm khả năng hấp thu vi chất dinh dưỡng.
Vậy bạn có thể làm gì?
Theo Vitti, nếu đang trong tình trạng mệt mỏi, bạn cần bổ sung omega-3, vitamin nhóm B mỗi ngày.
Trong chế độ dinh dưỡng, bạn cần loại ngay các loại nước ngọt, nước hoa quả, trái cây đóng hộp, siro; các loại rau có tinh bột (khoai tây, ngô, đậu Hà Lan); các loại ngũ cốc tinh chế (bánh mỳ trắng, mỳ ống); ngũ cốc có đường, bánh rán, bánh kẹo, khoai tây chiên... Thay vào đó, nên ăn trái cây tươi, trái cây đông lạnh, các loại rau bông cải xanh, cà rốt, các loại ngũ cốc nguyên hạt, trà không đường, bỏng ngô...
Và để giảm nồng độ cortisol, bạn nên tập yoga và thể dụng nhẹ nhàng trong giai đoạn hoàng thể và khi có kinh nguyệt.