Bé trai được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn vì sốt suốt trong 10 ngày, 3 ngày cuối sốt cao liên tục 39-40 độ C, rét run thành cơn, đau đầu. Thăm khám ban đầu các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có tình trạng nhiễm khuẩn nặng tuy nhiên không xác định được nguyên nhân.
Kết quả cấy máu của bệnh nhi sau 3 ngày cho thấy âm tính. Điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhi vẫn xuất hiện đau nhẹ vùng lưng, hạn chế trong việc cử động, siêu âm kiểm tra cho thấy ổ dịch vùng xương cùng cụt. Bé còn có dấu hiệu tê bì chân bên trái. Bác sĩ cho bệnh nhi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, phát hiện khối áp xe ngoài màng cứng tủy rất lớn từ đốt sống T10 xuống xương cùng S2 cùng với nhiều khối áp xe lan tỏa trong vùng cơ ngang vị trí thắt lưng và cùng cụt.
Các bác sĩ lập tức mổ cấp cứu cho bệnh nhi, giải phóng chèn ép tủy bằng cách mở thông 2 đầu ổ mủ ngoài màng cứng phía trên và dưới, rửa sạch ổ mủ và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, sau mổ bệnh nhân được cách ly một phòng.
Bác sĩ Ngô Quang Hùng, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sau mổ bệnh nhi cắt được cơn sốt liên tục và triệu chứng tê bì chân. Kết quả cấy mủ sau 3 ngày thấy sự tồn tại của cả 2 vi khuẩn gram dương là Tụ cầu vàng (S. aureus) và gram âm là B. pseudomallei. Bệnh nhi sau đó được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore.
Bác sĩ Hùng đánh giá bệnh do vi khuẩn Whitmore nguy hiểm ở chỗ có biểu hiện giống các loại nhiễm trùng khác. Khi chọc dịch, làm test nhanh xét nghiệm ở thời gian đầu không phát hiện ra vi khuẩn, cần phải có thời gian nuôi cấy chính xác mới xác định Whitmore.
Gia đình bệnh nhi cho biết, bé chưa từng tiêm hay can thiệp vào vùng lưng. Tuy nhiên trước đó 3 tuần, bé xuất hiện một vết phỏng nước (dạng Herpes) ở đầu gối. Điều trị tại nhà, nốt phỏng lành nhưng bé liên tục dùng tay bẩn cạy vùng lên da non. Đây có thể là nguyên nhân vi khuẩn Whitmore xâm nhập gây chèn ép tủy.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh Whitmore do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei lây nhiễm, đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi nặng và áp xe đa ổ, tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 40%. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thường gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tử vong trong vòng 48 giờ sau khi phát triệu chứng. Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực dịch tễ của bệnh tại khu vực Đông Nam Á.
Bệnh Whitmore xuất hiện ở Việt Nam từ thời chiến tranh chống Mỹ và bị 'lãng quên"hàng chục năm nay bởi rất ít người để ý đến bệnh hay xét nghiệm phát hiện ra vi khuẩn. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...
Khi được chẩn đoán chính xác, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tiêm tấn công liều cao liên tục trong ít nhất 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có văcxin phòng bệnh.