Rất nhiều người có thói quen uống trà vào buổi sáng nhưng thói quen này có thể góp phần dẫn đến ung thư thực quản, CNN đưa tin. So với người không uống trà nóng, người uống 700 ml trà (tương đương hai cốc lớn) ở nhiệt độ 60 độ C mỗi ngày tăng 90% nguy cơ ung thư thực quản.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên là tiến sĩ Farhad Islami tại Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo "nên đợi đồ uống nguội hơn trước khi dùng". Trước đó, ông cùng đồng nghiệp khảo sát hơn 50.000 người độ tuổi 45-75 tại Golestan (Iran).
Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến thứ tám trên thế giới, thường gây tử vong và cướp đi tính mạng của hơn 400.000 bệnh nhân mỗi năm.
Tổn thương thực quản lặp đi lặp lại do khói thuốc, rượu bia, trào ngược axit và có thể cả đồ uống nóng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tế bào ung thư.
Một nghiên cứu khác từng chỉ ra mối liên hệ giữa trà nóng và ung thư thực quản. Công trình của tiến sĩ Islami cùng đồng nghiệp là nghiên cứu đầu tiên nêu rõ mức nhiệt gây nguy hiểm và được đăng trên International Journal of Cancer nhưng chưa lý giải tại sao trà nóng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Ông Stephen Evans, giáo sư dược lý học tại Trường Đại học Vệ sinh và Y tế Nhiệt đới London (Anh) không thuộc nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Islami tin rằng ung thư thực quản phát triển là do ảnh hưởng của nhiệt độ chứ không phụ thuộc vào loại đồ uống.
"Bất cứ đồ nóng nào cũng rất nguy hiểm. Ví dụ, mứt làm bằng lò vi sóng dễ gây tổn thương thực quản, dần dần có thể phát triển thành ung thư," ông Evans nói.
Thực tế, người dân Mỹ và Châu Âu hiếm khi uống trà nóng trên 65 độ C. Trong khi đó, ở các nước như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Mỹ, người dân thường uống trà khi vẫn còn rất nóng, thậm chí nóng hơn 65 độ C.
"Người Nga và Trung Đông thậm chí còn rót trà từ ấm ủ rồi uống luôn. Trà của họ rất, rất nóng," CNN trích lời Peter Goggi, chủ tịch Hiệp hội Trà Mỹ.
Tiến sĩ James Doidge, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Đại học London cũng khẳng định đồ uống nóng là nguyên nhân lâu đời của ung thư thực quản.
Ông giải thích: "Kể cả khi không phải nhà khoa học bạn cũng có thể nhận ra tổn thương lặp lại trên cơ thể làm tăng nguy cơ ung thư. Da cháy nắng gây ung thư da, hút thuốc gây ung thư phổi, ăn uống không khoa học gây ung thư đường ruột".