Trường hợp bệnh nhân nam 54 tuổi (TP.HCM) có tiền sử nghiện rượu đã nhiều năm, mỗi ngày bệnh nhân đều uống 3 cốc rượu trắng, mỗi cốc khoảng 150ml. Gia đình bệnh nhân cho biết nếu không uống rượu, bệnh nhân cảm thấy ăn cơm không còn ngon miệng.
Trước khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân vẫn giữ thói quen uống rượu trong bữa ăn. Sau bữa cơm, bệnh nhân ngã ra sàn và được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định chảy máu não rất lớn, liệt, hôn mê sâu. Ngoài đột quỵ, bệnh nhân còn bị xơ gan do rượu.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nam 45 tuổi có tiền sử tăng huyết áp nhẹ, đang uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi uống 4 cốc bia trong một cuộc liên hoan gặp bạn bè, về tới nhà, bệnh nhân ngã lăn ra đất và được người nhà đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ thể chảy máu não.
BSCKII. Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi các yếu tố căn nguyên khiến cho dòng máu cung cấp lên não bị gián đoạn.
Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ. Thứ nhất, nguyên nhân đến từ mạch máu não bị tắc nghẽn khiến dòng máu không thể lưu thông lên não và nuôi dưỡng các tế bào não.
Nguyên nhân thứ 2, mạch máu não bị vỡ, khối máu tụ thoát ra khỏi lòng mạch và chèn ép, gây thiếu máu nuôi các nhu mô não.
Phần não bị thiếu máu sẽ bị thiếu dưỡng chất và hoại tử, từ đó gây mất chức năng của tế bào não. Những chức năng bị mất sẽ biểu hiện ra bên ngoài thông qua các triệu chứng.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Người sử dụng rượu bia càng có nguy cơ chảy máu não (đột quỵ) cao hơn.
Theo khuyến cáo của Hội tim mạch Mỹ và Hội Tim mạch thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây tăng huyết áp. Huyết áp tăng lại là nguyên nhân chính của chảy máu não.
Bác sĩ Quyên cho rằng: "Rượu bia là yếu tố nguy cơ của đột quỵ xuất huyết não. Do đó, một ngày không nên uống quá 4 ly bia (1 ly tương đương 330ml), 1 tuần không nên uống quá 10 ly bia và không nên uống quá 2 ly rượu vang (1 ly rượu vang tương đương 125ml) để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ nên tránh dùng rượu bia, chất kích thích. Đặc biệt là người có bệnh lý liên quan đến đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì,…".
Theo bác sĩ Quyên, mọi người cần phải lưu ý tới những cơn đau nửa đầu có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Ví dụ, cơn đau dữ dội, đột ngột lần đầu tiên trong đời dù không có chấn thương trước đó, đau kéo dài liên tục cường độ tăng dần, cơn đau đầu đi kèm co giật, cơn đau kèm một trong các các triệu chứng của đột quỵ như méo miệng - yếu liệt chi - nói khó - nhìn đôi,...
Nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các di chứng nặng nề về sau.
Để nhận biết dấu hiện đột quỵ, hãy nhớ tới từ FAST:
F (Face): Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng;
A (Arm): Kiểm tra tình trạng yếu hoặc liệt tay, chân;
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường;
T (Time): Thời gian, nếu xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu kể trên, người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao. Hãy khẩn trương gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất.