Cách đây 2 tuần, chị L.T.H. (29 tuổi, ở Sơn La) thấy ngực phải có nốt tổn thương với kích thước khoảng 5mmx5mm, to bằng hạt đậu, kèm đau nhẹ, ngứa ngáy. Thấy bất thường, chị tới phòng khám tư kiểm tra. Bác sĩ nghi ngờ chị bị viêm tuyến vú.
Khi về nhà, chị nghĩ tuyến vú có mủ, gây đau nên tự nặn ra, bất ngờ một con sán ngoe nguẩy bên trong.
Chị liền mang con sán đến Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương (Hà Nội) chẩn đoán.
Sau khi làm các xét nghiệm, TS.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét, Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương - cho biết, đây chính là con sán lá gan lớn gây tổn thương trên ngực chị H.
BS Trần Huy Thọ khuyến cáo, khi phát hiện bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị (mũi ức) dạ dày... không nên bỏ qua căn bệnh sán lá gan.
Theo TS Thọ, nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn được chẩn đoán nhầm là đau dạ dày, thậm chí ung thư gan, u gan. Nhiều bệnh nhân phải khám chữa nhiều nơi, thậm chí tốn kém để phẫu thuật “khối u” này nhưng không điều trị được bệnh.
Có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong.
Một trong những nguyên nhân khiến sán lá gan lớn chui vào người do thói quen hay ăn lẩu, ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... có ấu trùng sán nhưng không được nấu chín.
Hiện nay việc điều trị bệnh sán lá gan lớn không khó, chỉ khoảng một tuần là ổn định, nhưng tổn thương gan phải sau 1 tháng mới hết, có trường hợp kéo dài tới 6 tháng.