Chắc hẳn trong đời làm nghệ thuật của mình, Đàm Vĩnh Hưng - Ông hoàng nhạc Việt từng nghe phải câu này rồi. Đối với một người hoạt động âm nhạc, có lẽ chẳng ai muốn nghe phải những lời như vậy. Nhưng đòi hỏi sự toàn bích và toàn tâm khán giả dành cho thì đâu phải ai cũng làm được. Nếu như một người sinh ra trên đời được lòng hết thảy mọi người thì phải xem lại anh ta.
Nhắc tới Đàm Vĩnh Hưng, tôi lại nhớ tới câu chuyện liên quan tới nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi anh từng vạ miệng nói ông là ngụy quân tử, sau đó phải cúi mình xin lỗi. Đàm Vĩnh Hưng là vậy, đôi khi để bảo vệ chính mình, cứ phải xù lông xù lá để che đi cái tổn thương yếu đuối bên trong, rồi lại nuốt nghẹn mà đi nhận lỗi với đời. Một người mà lúc thì khiến đám đông muốn... xé xác, lúc lại khiến chính đám đông ấy phát cuồng, chắc chỉ có Đàm Vĩnh Hưng.
Một cái tên ba chữ thôi mà suốt gần hai mươi năm nay cứ làm đình làm đám khắp làng nhạc Việt Nam, hẳn chẳng ai soán ngôi được.
Cũng như khi anh đến với Bolero, anh cũng khiến đám đông phát bực bởi cái kiểu hát thiếu sự giản dị, da diết. Đám đông ấy cũng có những người hào hứng, thích thú (nhất là những fan ruột của anh) khi nghe anh hát bằng một lối phá cách, làm mới. Đàm Vĩnh Hưng cũng giống như Thanh Lam, luôn gây ra sự tranh cãi của số đông về các bài họ hát. Nhưng chẳng hiểu sao, ngần ấy năm, một người là phụ nữ, một người được phong “ông hoàng” chắc hẳn là đàn ông, một người phía Bắc, người phía Nam, theo hai dòng nhạc khác nhau cứ mải miết “đối chọi” nhau thế nhỉ?
Có điều, ở Đàm, lượng fan của anh hùng hậu hơn, đa dạng hơn và cũng cuồng nhiệt hơn. Một người mà khi hát, tất cả đều chê chắc chắn không phải ca sĩ. Một người mà khi hát, khen và chê đều cùng nhau dậy sóng, một họ là thiên tài, hai họ là nữ hoàng hoặc ông hoàng scandal. Theo bạn, Đàm Vĩnh Hưng là số 1 hay số 2? Hoặc cũng có thể anh là một đáp án khác, bí hiểm hơn mà người thường chúng ta chưa thể nào đoán định được.
Nhắc tới dòng nhạc đang thịnh hành Bolero, người ta dễ dàng liên tưởng tới những ca sĩ gạo cội như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan, Chế Linh, Tuấn Vũ... Trẻ hơn là Như Quỳnh, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Thế Sơn, Cẩm Ly, Quốc Đại... Sơ qua những tên tuổi ấy, hầu như trên báo chí hoặc người nghe nhạc chưa bao giờ có những bàn cãi về việc hát hay hoặc không hay về họ. Người nghe cứ nhẹ nhàng đón nhận, thong thả lắng nghe và âm thầm yêu mến.
Gần đây có hai ca sĩ trẻ hơn lớp trước là Quang Lê và Lệ Quyên, thật sự cũng ít người chê họ hát dở. Thậm chí người ta còn chết mê chết mệ khi nghe Quang Lê hát Quê hương ba miền, Trời Huế vào thu chưa em, Hoa tím người xưa... hay như khi nghe Lệ Quyên hát Sầu tím thiệp hồng, Không giờ rồi...
Trong khi Đàm Vĩnh Hưng từng ngày, từng giờ chau chuốt cho từng bài hát, tìm tòi mọi sự cách tân mới mẻ để cho ra đời những bản nhạc kỹ càng thì lại có những người nghe vẫn muốn quay lưng. Đặc biệt là những người Sài Gòn gốc, từng mê mệt một thời giọng ca của những Tuấn Vũ, Chế Linh, từng nhiều đêm có mặt ở phòng trà nghe nhạc lại thẳng thắn tẩy chay Đàm Vĩnh Hưng. Trong số họ, nói nôm na hoặc cố ý kiểu như: “Đàm Vĩnh Hưng mà cũng hát Bolero à?”; “Hát có ra gì đâu mà làm quá lên thế?”...
Bất chấp tất cả, thậm chí anh còn làm giám khảo những cuộc thi về Bolero, tiêu biểu là cuộc thi Thần tượng Bolero. Năm rồi, thí sinh Helen Thủy (đội của anh) còn giành giải quán quân. Cho dù sau đêm đăng quang, ngay lập tức dư luận dậy sóng khen chê.
Nói gì thì nói, Bolero có lẽ là dòng nhạc phù hợp với lối hát truyền cảm, nhẹ nhàng, sâu lắng. Nó kỵ nhất là kiểu hát lên gân lên cốt, làm duyên làm dáng kiểu bác học. Một dòng nhạc dễ nghe, muốn nghe và chiếm trọn trái tim công chúng từ nhiều năm, có lẽ cốt yếu nhất ở nó chính là sự giản dị.
Mà giản dị với một người được gọi là “ông hoàng nhạc Việt” có lẽ là điều hơi khó!
Ông hoàng nhạc Việt chia sẻ: "Tôi cho rằng khả năng là có 2 vấn đề xảy ra. Thứ nhất, câu chuyện trao đổi thì dài nhưng bị cắt ngay đúng câu nói đó. Nếu trường hợp này xảy ra thì quá tội cho nghệ sĩ. Thứ hai nếu trong lúc cao hứng chị Lam có nó câu đó thì quả thật là hơi cạn và tự đưa mình vào vòng cô lập. Nếu không muốn nói là chị đã đào sâu thêm khoảng cách của ca sĩ 2 miền.
Tôi cũng không biết chị Lam đang muốn gì khi đưa ra ý kiến về sự nổi tiếng của các ca sĩ miền Nam như vậy. Nhận xét như thế không nên có từ một người "bề trên" như chị Lam. Ở đây, tôi đang nói với một tâm thế rất bình tĩnh, không có một chút tức giận hay ác cảm nào.
Đúng là thực tế tại miền Nam có nhiều ca sĩ nổi tiếng không được qua trường lớp đào tạo chính quy. Nhưng làm nghệ thuật ai cũng hiểu sự nổi tiếng không đến từ việc bạn có bao nhiêu bằng cấp, học trong trường bao nhiêu năm. Nổi tiếng là do định mệnh, do Tổ nghiệp quyết định. Có nhiều người học tới thạc sĩ, tiến sĩ thanh nhạc đấy nhưng có nổi tiếng đâu?".
Trong làn sóng nhiều sao Việt phản ứng gay gắt, "xù lông" trước phát ngôn mang tính bề trên của nữ ca sĩ Thanh Lam, dù được cho là vốn có hiềm khích với Thanh Lam, nhưng những phát ngôn của Đàm Vĩnh Hưng xem ra khá công tâm, khách quan, thấu đáo.
* Bài viết thể hiện góc nhìn và văn phong của tác giả, nữ nhà văn sinh sống tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai)