Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Và khi trẻ chẳng may mắc bệnh, thay vì cho con đi thăm khám bác sĩ, dùng thuốc theo chỉ định thì cha mẹ lại truyền tai nhau các bài thuốc dân gian như dùng búp ổi, hồng xiêm xanh, lá chè… để tự chữa bệnh cho con.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa nhi PGS.TS Hà Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, tất cả các biện pháp chữa tiêu chảy cho trẻ nhỏ bằng các biện pháp dân gian mà nhiều người truyền tai nhau như dùng búp ổi, hồng xiêm xanh, lá chè… đều không có tác dụng, thậm chí còn gây nguy hại cho sức khỏe trẻ.
Phương pháp chữa bệnh kiểu này rất nguy hiểm, bởi, bản thân búp chè, búp ổi, hồng xiêm xanh… đều có tỷ lệ chất tanin rất cao. Cơ thể con người, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ khi có một chút tanin vào sẽ làm giảm nhu động ruột.
Chính tình trạng giảm nhu động ruột cũng làm trẻ giảm số lần tiêu chảy đi và vì thấy con giảm số lần tiêu chảy nên cha mẹ thấy thích và nghĩ có hiệu quả.
Nhưng thực tế, tổn thương ở trong đường tiêu hóa của trẻ vẫn còn nguyên, không có gì thay đổi khi ăn, uống các loại lá cây, quả có chất tanin này.
“Thực tế thăm khám bệnh tôi đã từng gặp trường hợp trẻ bị tiêu chảy nặng, đi ngoài phân lỏng với số lần đi khoảng 20 lần/ngày. Thấy con đi quá nhiều, cha mẹ bé đã cho con dùng sái thuốc phiện kèm theo vài loại lá cây có vị chát để chữa bệnh.
Sau khi cho trẻ uống lá cây, sái thuốc phiện, số lần đi ngoài của con giảm hẳn làm cha mẹ rất vui mừng vì bệnh tình của con đã giảm. Tuy nhiên, sau đó bé có biểu hiện khó chịu, đau cứng bụng nên được cha mẹ đưa vào viện thăm khám.
Và khi bác sĩ chúng tôi thăm khám thấy bụng trẻ căng cứng, tất cả các nước xuất tiết ra trong lồng ruột bị ứ lại. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ vì virus, vi khuẩn gây bệnh vẫn sinh sôi nảy nở trong hệ tiêu hóa của trẻ, phân, chất thải xuất tiết ra không đi ra ngoài mà tích tụ trong ruột.
Cha mẹ cứ thấy con giảm số lần đi là vui nhưng bản chất bệnh của con không giảm, mà có thể làm tình trạng bệnh kéo dài và nặng hơn. Nguy hiểm hơn nữa là việc dùng các cách dân gian chữa bệnh dẫn đến che lấp các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn trong việc phát hiện các biến chứng nguy hiểm, khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ sau đó”, PGS Tùng cho biết.
Tiêu chảy ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng… Việc nhận biết không chính xác nguyên nhân thường dẫn đến tư tưởng chủ quan và cách điều trị sai.
Đặc biệt, sai lầm trong phương pháp điều trị hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian như sử dụng lá ổi xanh, hồng xiêm xanh, lá chè… khi không hiểu đúng về cơ chế gây bệnh sẽ làm cho bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn.
Và chính việc tự ý điều trị cho con, tư tưởng chủ quan đã khiến trẻ bị mất nước, gây rối loạn điện giải, co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi bé có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình cần bù nước, điện giải sớm, làm hạn chết sự mất nước của cơ thể.
Tuy nhiên, việc bù nước, điện giải thế nào cần tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.