Không gây tử vong nhanh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ nhưng người mắc bệnh thận phát hiện muộn và điều trị sai cách, cơ hội sống sẽ giảm rất nhiều.
Tỷ lệ người mắc bệnh thận tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5-10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Vân Đông, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi mà không phân biệt giới tính nam hay nữ.
Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn bệnh nhân tới bệnh viện đều đã ở giai đoạn nặng. Lúc này, cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào máy lọc thận.
Vì vậy, những trường hợp trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận, tiết niệu cần được bác sĩ kiểm tra thường xuyên.
Ai cần đi khám sàng lọc thận, tiết niệu?
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm Thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết để phát hiện sớm bệnh lý về thận, tiết niệu, chúng ta nên chủ động đi kiểm tra. Dưới đây là gợi ý về những trường hợp cần đi khám sàng lọc về thận, tiết niệu:
Tiền sử cá nhân
- Nghề nghiệp hoặc môi trường tiếp xúc: Người tiếp xúc dung môi hữu cơ có thể gây viêm cầu thận. Công nhân nhuộm aniline và cao su có tỷ lệ mắc ung thư đường tiết niệu tăng, tiếp xúc lâu dài với chì và cadimi có thể gây tổn thương thận.
- Các bệnh tật đã mắc hoặc vào nằm viện: Ví dụ người mắc các nhiễm trùng, sốt rét, xơ gan, lao phổi, điều trị ung thư, các bệnh máu, u lympho.
- Tiền sử phát hiện bệnh thận: Những người có nguy cơ mắc bệnh liên quan tới thận, việc xét nghiệm ure và creatinin là không thể bỏ qua. Nhờ thực hiện các phương pháp trên, bác sĩ có thể phát hiện sớm một số căn bệnh tiềm ẩn mà chúng ta có thể đối mặt. Vì vậy, người bệnh nên chú ý đến giá trị xét nghiệm ure và nồng độ creatinin huyết thanh, các bất thường xét nghiệm nước tiểu (hồng cầu niệu, protein niệu).
- Tiền sử sỏi tiết niệu hoặc đã điều trị can thiệp: Tiền sử được chẩn đoán sỏi tiết niệu, đái ra sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở lấy sỏi.
- Các rối loạn tiểu tiện: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu gấp.
- Các thay đổi tính chất nước tiểu: Thay đổi màu sắc, có mùi, có bọt…
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát nhiều lần (gây tổn thương sẹo ở thận).
- Tiền sử phát hiện thiếu máu (có thể là triệu chứng của suy thận mạn).
- Tiền sử về tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch: Thời điểm phát hiện, nguyên nhân, các thuốc đã sử dụng, đáp ứng điều trị.
- Tiền sử về bệnh đái tháo đường: Tùy từng loại đái tháo đường bạn mắc, thời điểm chẩn đoán, các biện pháp điều trị, đáp ứng điều trị, biến chứng của bệnh sẽ có liên quan đến thận, tiết niệu.
- Tiền sử về bệnh gout: Thận có thể là tổn thương do gout mạn tính (bệnh thận kẽ mạn tính do lắng đọng các tinh thể urat ở mô kẽ thận và/hoặc do sỏi urat ở thận). Bệnh thận mạn tính có thể có các cơn gout cấp do tăng acid uric máu.
- Tiền sử đau các khớp, ban cánh bướm ở mặt, ban dạng đĩa, nhạy cảm ánh nắng, xuất huyết dạng đi ủng.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát (có thể kết hợp với viêm cầu thận và/hoặc viêm mạch máu).
- Tiền sử về thai sản: Số lần sinh con đủ tháng, số lần sinh con thiếu tháng, số lần sảy thai, số con hiện còn sống cũng có thể liên quan đến cơ quan này.
- Các thuốc đã dùng: Suy thận có thể gây ảnh hưởng tới chuyển hóa và dược động học của các thuốc và ngược lại. Nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận. Nhân viên y tế cần hỏi đầy đủ loại thuốc người bệnh đã sử dụng, đặc biệt là các thuốc không được kê đơn (các loại thảo dược không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng, …) đều có thể gây độc cho thận.
- Tiền sử sử dụng và/hoặc có các phản ứng bất lợi đối với các thuốc nhóm ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone (thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể AT1 của angiotensin II): Tăng creatinin, suy thận, tăng kali máu.
- Sử dụng cocaine và thuốc lắc có thể gây ra tiêu cơ vân và myoglobin niệu dẫn đến suy thận cấp.
- Tiền sử hút thuốc lá: Thuốc lá liên quan một số bệnh ung thư trong đó có đường tiết niệu, bệnh tim mạch và có thể gây rối loạn chức năng thận tiến triển nặng hơn.
- Tiêu thụ rượu quá mức có liên quan tổn thương thận tăng huyết áp.
Tiền sử gia đình:
- Trong gia đình có ai bị bệnh như bệnh nhân? Có người mắc bệnh lao không? Có người phải điều trị thay thế thận (lọc máu chu kỳ hoặc được ghép thận)?
- Các bệnh thận có tính chất gia đình gồm: Bệnh thận đa nang di truyền gen trội, bệnh thận đa nang di truyền…
Tìm hiểu về đời sống của bệnh nhân:
- Những mối quan tâm và kỳ vọng của bệnh nhân: Bệnh thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu và/hoặc ghép thận có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống, công việc và các mối quan hệ xã hội của người bệnh. Tiểu không tự chủ và các rối loạn tiểu tiện khác cũng có những ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
- Sống và làm việc trong môi trường nóng làm nước tiểu cô đặc hơn có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy, khuyến cáo để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên đi khám bệnh định kỳ, sàng lọc các bệnh liên quan đến thận, tiết niệu cho những người có nguy cơ cao. Việc chẩn đoán, điều trị sớm giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh ở giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, người dân nên có lối sống lành mạnh như tiếp cận với nước sạch, tập thể dục thường xuyên, hạn chế các tác nhân độc hại như thuốc lá, rượu bia, hóa chất.