Tính đến 6h sáng 6-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc xác nhận số ca nhiễm virus corona mới đã vượt quá con số 28.000, số người tử vong tăng thêm 73 người lên con số 565 tính trên toàn thế giới.
Trước diễn biến nguy hiểm của virus corona gây viêm phổi ngày càng khiến nhiều người lây nhiễm, dư luận nhớ đến nỗi kinh hoàng của 3 đại dịch từng xảy ra.
Cúm Tây Ban Nha, đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử loài người
Hơn 100 năm trước, dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1918 và kết thúc năm 1920 đã lây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới, khiến khoảng 50 - 100 triệu người tử vong, bằng 3% - 5% dân số thế giới thời điểm đó, khiến nhiều người còn tưởng rằng nhân loại đang đứng trước bờ vực diệt vong.
Mặc dù có tên gọi như vậy nhưng dịch cúm này không bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Do đó là thời điểm nhạy cảm, Chiến tranh Thế giới thứ nhất vừa kết thúc nên các bên tham chiến đều giấu nhẹm thông tin về dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha, bên trung lập, trở thành nơi đầu tiên trên thế giới công khai trường hợp nhiễm bệnh.
Cúm Tây Ban Nha có tỷ lệ nhiễm cực cao, lên tới 50% và tỷ lệ tử vong khoảng 10% - 20%, trong khi những loại cúm khác chỉ khoảng 0,1%. Đặc biệt, nạn nhân tử vong chủ yếu của dịch cúm này là người trẻ, trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, những người tưởng như có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhất. Những biểu hiện của bệnh là xuất huyết ở mũi, dạ dày và ruột, sau đó xuất huyết và tràn dịch màng phổi, khiến người bệnh "chết đuối" bởi chính chất lỏng bên trong cơ thể mình.
Ngày nay, không còn nhiều người còn sống để kể về dịch cúm Tây Ban Nha. Đại dịch cúm này vẫn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhân loại mỗi khi nhắc đến.
Dịch Ebola, nỗi khiếp sợ của toàn thế giới
Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lây lan do tiếp xúc với người bệnh hoặc động vật nhiễm virus. Tỷ lệ tử vong của những người nhiễm bệnh ở mức cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Dịch Ebola bùng phát ở Guinea sau đó lan ra tới các nước láng giềng khác ở Tây Phi như Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal. Sau đó, người ta tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Ebola tại Mỹ và các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy.
Đại dịch SARS, nỗi kinh hoàng của nhân loại
Virus corona gây viêm phổi đang gây hoang mang ở nhiều nước. Dịch bệnh nguy hiểm này khiến nhiều người nghĩ đến hậu quả kinh hoàng của đại dịch SARS xảy ra cách đây 17 năm.
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (viết tắt: SARS) là một chứng bệnh hô hấp ở con người gây ra bởi một loại virus mang tên virus SARS (SARS-CoV), một chủng của coronavirus.
Giữa tháng 11 năm 2002 và tháng 7 năm 2003, đại dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông, lan tỏa toàn cầu và gần như trở thành một đại dịch, với 8422 trường hợp và 916 trường hợp tử vong trên toàn thế giớ (10,9% tử vong) theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ, SARS lan từ Hồng Kông sang lây nhiễm nhiều người khác tại 37 quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) vào đầu năm 2003.
Trường hợp tử vong của SARS tùy thuộc vào giới tuổi bệnh nhân. Đối với người dưới 25 tuổi, tỷ lệ tử vong ít hơn 1%; dưới 25-44 tuổi thì tỷ lệ tăng lên thành 6%; dưới 45-64 là 15%; và hơn 65 tuổi là 50% hoặc hơn nữa.
Không như bệnh đậu mùa đã bị dứt hẳn, SARS vẫn tồn tại, tiềm ẩn trong khối trữ thiên nhiên (quần thể động vật) và có khả năng tái phát.