Khi ta bước đi trên con đường đời mà có sự ước thúc bản thân theo một tiêu chuẩn đạo lý nhất định thì ta mới ngộ ra rằng: “Quãng ‘đường’ càng đi càng thấy dài, lối ‘Đạo’ càng lên càng thấy cao”, nếu lập chí không bền, hễ thấy khó mà bỏ dở thì dễ lâm vào tình cảnh: ‘Bán đồ nhi phế’ – ‘Giữa đường đứt gánh’, sẽ chẳng làm nên trò trống gì.
Xét về một phương diện nào đó trong đạo lý: “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín” mà Đức Khổng Tử từng giảng, thì ‘Nhân’ là biểu hiện của lòng từ thiện, là từ bi; ‘Nghĩa’ là làm tròn bổn phận của người dưới đối với bề trên; ‘Lễ’ là sự tôn ti trật tự hay phép tắc trong việc đối nhân xử thế giữa người với người; ‘Trí’ là biểu đạt về trí tuệ hay sự linh mẫn của một người nhờ dưỡng dục mà nên; ‘Tín’ là thể hiện lòng chân thành của một người.
“Ngũ thường” ấy là đạo lý làm người mà người đời sau nên gìn giữ và phát huy. Nếu hủy bỏ đi ‘Đạo ngũ thường’ – ‘Nghỉ’ thì khác nào người ta chỉ tồn tại như một cái ‘xác vô hồn’ lưu phế trên cõi nhân gian vậy!
Cho nên sống ở trên đời: thần hạ đối với quân trưởng, con cái đối với cha mẹ,vợ chồng bầu bạn ăn ở với nhau đều có bổn phận phải đối đãi sao cho ‘trọn nghĩa, vẹn tình’ nếu không tận tâm tận lực thì chưa làm tròn bổn phận. Dẫu làm canh nông hay thương mại, thợ thuyền hay quân nhân… ai nấy đều có một chức nghiệp khác nhau nếu chểnh mảng không chu đáo thì cũng là thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Vậy nên phải sống làm sao cho đủ, cho đầy: phần ấm cho thân, phần ích cho người vì thế nên mới ‘lao tâm khổ tứ’; ‘thân bất do kỷ’ hỏi ‘Nghỉ’ làm sao được?
Dẫu cuộc sống có khó khăn như thế nào, cuộc đời có khắc nghiệt với bạn đến mấy thì hãy cố gắng sống sao cho vẹn Đạo “Không quan trọng bạn đi chậm thế nào miễn là đừng bao giờ dừng lại”, không ngừng tu chính bản thân mình mà tiến về phía trước, ấy chính là mãi mãi…
Sự vật trong thế giới tự nhiên kỵ đầy tràn, những việc của con người nơi thế gian kỵ quá toàn vẹn. Nghĩa là đừng theo đuổi sự toàn vẹn của sự việc một cách quá mức. Việc truy cầu quá mức thông thường sẽ đi sang phía phản diện. Mọi việc biết đủ mới dễ hạnh phúc. Tuy biết đủ, biết bằng lòng nhưng bậc cao nhân không bao giờ ngừng việc tu dưỡng bản thân.