Sự xuất hiện ngày càng nhiều của thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh, kèm theo đó là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang báo động khiến cho hệ tiêu hóa của chúng ta bị đe dọa ít nhiều.
Một trong những căn bệnh liên quan được nhiều người quan tâm nhất hiện nay chính là trào ngược dịch mật. Bệnh được đánh giá nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Vì vậy trước khi quá muộn, chị em cần trang bị trước cho mình lượng kiến thức cần thiết về căn bệnh này qua bài viết sau.
Dịch mật là gì?
Dịch mật là chất lỏng có màu vàng đến hơi xanh, được tiết ra từ gan, có vị đắng và tính kiềm. Mỗi ngày, cơ thể tiết ra 700-800ml dịch mật và dự trữ trong túi mật. Đến bữa ăn, cơ quan này co bóp chuyển dịch mật vào tá tràng. Khi vào đó, chúng sẽ tiêu hóa chất béo, giúp cơ thể hấp thụ vitamin A, D, E, K, kích thích tăng tiết, hoạt hóa dịch tụy và ức chế hoạt động của vi khuẩn.
Trào ngược dịch mật có nguy hiểm không?
Trào ngược dịch mật xảy ra khi dịch mật trong tá tràng trào ngược vào dạ dày hoặc dịch mật cùng axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Thông thường, dạ dày và tá tràng được ngăn cách bởi cơ môn vị. Cơ quan này hoạt động như van một chiều, nghĩa là chỉ mở để các chất trong dạ dày đi xuống tá tràng và không để cho bất kì chất gì di chuyển theo chiều ngược lại. Khi cơ môn vị gặp vấn đề, dịch mật sẽ đi ngược lên dạ dày dẫn đến chứng bệnh đã đề cập.
Vậy trào ngược dịch mật có nguy hiểm không? Câu trả lời là có nếu như bạn không đến gặp bác sĩ để thăm khám và có biện pháp chữa trị triệt để. Khi dịch mật di chuyển vào trong dạ dày sẽ gây ra tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Không chỉ vậy, bệnh còn là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Khi đó, người bệnh sẽ có biểu hiện nôn dịch xanh vàng, phù nề dây thanh quản làm mất tiếng, nặng hơn có thể bị barret thực quản, ung thư dạ dày, ung thư thực quản.
Nguyên nhân của hiện tượng trào ngược dịch mật
Như đã nói bên trên, yếu tố khiến bệnh trào ngược dịch mật xuất hiện chính là sự suy yếu của cơ môn vị. Vậy, đâu là những nguyên nhân chủ yếu khiến cơ quan này bị rối loạn?
- Biến chứng sau phẫu thuật cắt dạ dày: Sau phẫu thuật, cơ môn vị hoạt động không ổn định khiến cho khả năng đóng mở không được kín, tạo lỗ hổng cho dịch mật thoát lên.
- Loét dạ dày tá tràng: bệnh loét dạ dày tá tràng làm cơ môn vị yếu hơn. Ngoài ra, tình trạng ứ đọng thức ăn lâu trong dạ dày cũng là nguyên nhân khiến dạ dày "gánh" thêm áp lực, dẫn đến bộ phận cơ tâm vị và môn vị suy yếu.
- Phẫu thuật túi mật: Ở những bệnh nhân đã cắt bỏ túi mật, các bác sĩ nhận thấy họ có khả năng bị trào ngược dịch mật cao hơn những người bình thường.
Triệu chứng bệnh
- Ợ nóng, đắng miệng
- Đau bụng thượng vị, đau tức hoặc đau từng cơn, cả vùng ngực và bụng trên đều có cảm giác nóng rát, cồn cào
- Nôn ra chất lỏng xanh vàng, họng đắng
- Đầy bụng, khó tiêu, sút cân
- Ho khan khàn giọng
Cách chữa trào ngược dịch mật hiệu quả
Phẫu thuật
Phẫu thuật Roux-en-Y nối ống mật và hỗng tràng (phần sau của tá tràng) được xem là hướng đi khá mạo hiểm khi tỉ lệ chữa trị được rơi vào khoảng 50-90% tùy vào tình trạng bệnh. Cụ thể, với phương pháp này, các bác sĩ sẽ nối trực tiếp ống mật vào hỗng tràng để cho dịch mật thay vì đổ xuống tá tràng sẽ đi về hỗng tràng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu lên cơ thể.
Ngoài phẫu thuật Roux-en-Y, nhiều nơi còn thực hiện phẫu thuật antireflux. Theo đó các bác sĩ sẽ cố gắng khắc phục khả năng co thắt cơ vòng thực quản bằng cách gói một phần dạ dày (gần thực quản) lại, sau đó khâu vòng quanh cơ vòng. Một khi cơ vòng được thắt chặt, axit và dịch mật sẽ không thể trào ngược lên trên.
Dùng thuốc
Nếu lo ngại việc phẫu thuật gây đau đớn và phải mất thời gian hồi phục lâu, bệnh nhân có thể chọn giải pháp dùng thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc loại bỏ axit mật ra khỏi cơ thể. Tuy phương pháp này có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh nhưng sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn lên các bộ phận khác. Vì vậy khi sử dụng, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ và tuân thủ theo liều lượng chỉ định, không được tự ý dùng mỗi khi đau.
Phòng bệnh như thế nào?
Tập thể dục, giữ cân nặng ổn định
Tập luyện thể dục không những giúp bạn khỏe mạnh mà còn góp phần duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định. Điều này rất quan trọng vì nếu bị béo phì, lớp mỡ bụng dày sẽ làm tăng áp lực lên ổ bụng, nguy cơ cao xảy ra hiện tượng trào ngược. Thêm một vài lưu ý trong lúc tập luyện đó là bạn không nên thực hiện các động tác xoắn vặn cơ bụng quá nhiều, như vậy cũng gây ra tác động không tốt lên vùng bụng.
Không nằm sau khi ăn
Sau khi ăn là thời điểm dịch mật được tiết ra nhiều nhất. Nếu bạn nằm xuống ngay, dịch mật như được "thả cửa" sẽ nhanh chóng trào lên dạ dày và thực quản. Lời khuyên tốt nhất cho người bệnh chính là ngồi hoặc vận động nhẹ nhàng trong khoảng 3 tiếng mới có thể nằm xuống.
Một số lưu ý trong lúc ăn
- Không ăn thực phẩm cay, nóng hay món chiên xào nhiều dầu mỡ
- Chia nhỏ bữa ăn và cân bằng lượng thức ăn trong từng bữa
- Không để bụng quá no hoặc quá đói
- Tránh uống rượu bia, nước uống có chứa gas hay cafein
Thực phẩm nào tốt cho người bệnh?
- Bánh mì, bột yến mạch: hai loại thực phẩm này giúp giảm lượng axit dư trong dạ dày, từ đó hạn chế tối đa tổn thương trong lúc cơ quan này đang gặp vấn đề.
- Sữa chua: sữa chua kích thích thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, khi vào dạ dày sẽ trở thành "chiến binh" tự nhiên bảo vệ khoang bụng khỏi các tác nhân xấu. Bệnh nhân bị trào ngược dịch mật nên ăn sữa chua mỗi ngày, tuy nhiên cần tránh dùng lúc bụng đói sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen,... là những thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cùng amino axit cao được đánh giá rất tốt cho người bệnh liên quan đến dạ dày.
- Đạm dễ tiêu: thịt ngan, thịt thăn heo, lưỡi heo là những loại thịt chứa đạm dễ tiêu góp phần trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh trào ngược dịch mật.
- Nghệ, mật ong: sự kết hợp giữa bộ đôi ăn ý nghệ và mật ong cực kì tốt cho sức khỏe dạ dày. Vì vậy, người bệnh nên bổ sung chúng vào bữa ăn hằng ngày để góp phần giúp bệnh tình thuyên giảm.
Bệnh trào ngược dịch mật sẽ không còn là nỗi lo nếu chị em hiểu về chúng và biết được mức độ nguy hiểm cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh vẫn được khuyên đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất, không nên tự kết luận tại nhà sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.