Vợ chồng tôi cưới nhau hai năm, có một cậu con trai hơn 5 tháng tuổi.
Công việc hai vợ chồng ổn định, đã mua được một căn nhà chung cư trả góp từ trước khi vợ sinh. Tính ra thu nhập của hai vợ chồng sau khi dành một khoản để trả tiền nhà cố định mỗi tháng, số tiền còn lại chỉ đủ để chi tiêu.
Hồi vợ tôi sinh, bà ngoại ốm không đến được, còn bà nội ra ở được hai tuần thì nằng nặc đòi về. Lý do mẹ tôi không muốn ở lâu vì mang tiếng là có bà nội nhưng hầu như mẹ tôi không phải làm gì mấy.
Chỉ mất ít ngày đầu mới sinh, do vết thương còn đau nên vợ tôi hạn chế đi lại. Vài ngày sau, cô ấy đã làm hết mọi việc - từ nấu nướng, giặt quần áo riêng cho con bằng tay, súc rửa dụng cụ hút sữa đến bế ẵm mỗi khi con khóc ngay cả lúc giữa đêm mà không cần mẹ chồng hỗ trợ.
Mẹ thấy vợ tôi làm hết mọi việc thì nói với con dâu rằng: "Đàn bà sinh đẻ tốt nhất cần được nghỉ ngơi, kiêng cữ. Thà là không có ai thì con phải làm, chứ có mẹ ở đây, cần gì con cứ bảo mẹ".
Nhưng vợ tôi nói thể trạng cô ấy khỏe, cô ấy làm được, chỉ nhờ mẹ lau hộ cái nhà và phơi quần áo thôi.
Ở được hai tuần, mẹ bảo tôi: "Mẹ tính lên ở một tháng đỡ đần vợ con cho nó kiêng cữ một thời gian. Nhưng mẹ thấy vợ con chẳng kiêng cữ gì, việc gì nó cũng làm, đảm đang, tháo vát, còn bảo mẹ cứ nghỉ ngơi đi.
Nó sinh đẻ mới cần nghỉ ngơi chứ không mẹ lên làm gì. Mẹ ở đây chơi không, ở quê thì nhiều việc. Thôi mẹ về, lúc nào các con cần thì mẹ lại lên".
Tôi để ý cũng thấy đúng là vợ tôi không để mẹ chồng phải làm việc gì thật. Trong khi việc ruộng vườn ở quê, mẹ phải gửi anh em, bà con làng xóm trông nom giùm.
Kể từ khi bố tôi mất, tôi lấy vợ ở xa, em gái cũng lấy chồng, việc to nhỏ trong nhà đều do một mình mẹ gánh vác. Thương con nên mẹ mới phải đóng cửa nhà mà đi.
Thấm thoắt đó mà giờ con trai tôi đã hơn 5 tháng tuổi, còn vài tuần nữa là vợ đi làm.
Tôi hỏi vợ sắp tới đi làm, chuyện con cái em định tính như thế nào. Vợ tôi bảo rằng, cô ấy sẽ thuê bảo mẫu đến trông em bé giờ hành chính.
Tôi nghe xong rất ngạc nhiên:
- Thu nhập vợ chồng mình hàng tháng chỉ đủ trả góp tiền nhà và chi tiêu, tiền đâu mà em thuê bảo mẫu giúp việc. Để anh gọi điện về quê, nhờ bà nội lên trông cháu cho ít lâu. Bà trông cháu chả yên tâm hơn à?
- Không, em không đồng ý. Con là con của vợ chồng mình, mình phải có trách nhiệm, không thể đùn đẩy cho bà được. Bà nuôi anh đủ vất vả rồi. Người già trông trẻ mệt lắm chứ không đơn giản như anh nghĩ đâu. Em không muốn làm phiền bà.
- Phiền hà gì, mẹ anh rất sẵn lòng hỗ trợ con cái khi cần. Hơn nữa, nhà mình kinh tế còn khó khăn, đỡ được đồng nào hay đồng ấy.
- Nếu vậy thì em xin nghỉ thêm vài tháng nữa cho con cứng cáp rồi gửi trẻ cũng được. Đằng nào công ty em dạo này cũng đang ít việc.
- Em tính thế nào cho hợp lý thì tính, cần thì anh gọi nhờ bà.
Đã nói như thế, vậy mà hôm nay đi làm về, tôi lại tình cờ nghe vợ gọi điện cho bạn cô ấy nhờ tìm người trông trẻ tại nhà.
Giọng điệu của vợ tôi tỏ ra rất dứt khoát: "Tìm nhanh giúp tớ nhé, kẻo đến ngày đi làm không có ai trông con, chồng tớ sẽ lại gọi bà nội lên. Hồi ở cữ, dù mệt, tớ cũng phải cố làm hết việc để bà thấy rảnh rỗi quá, chán mà về quê. Giờ nhờ bà ra trông cháu thì ở đến bao giờ?
Ôi, tớ chẳng thích ở với mẹ chồng tẹo nào luôn. Tớ thà tốn tiền thuê bảo mẫu trông con, còn hơn phải nhờ mẹ chồng. Sợ bà lên ở đây lâu lại quen, thấy thành phố sướng chứ không khổ sở như quê mình rồi không muốn về quê nữa thì mệt".
Tôi nghe vợ nói, từng lời, từng lời, lòng đã hiểu ra tất cả. Hiểu vì sao những ngày mới sinh, các sản phụ khác bỏ mặc hết mọi việc cho mẹ, cho chồng, còn vợ tôi thì tranh làm hết.
Tôi lại nghĩ tính vợ tôi cẩn thận, sợ mẹ chồng làm không như ý mình. Lại nghe vợ ngọt nhạt bảo để cho mẹ nghỉ ngơi, tưởng cô ấy thương mẹ chồng thật.
Hóa ra là cô ấy không muốn mẹ tôi ở lâu nên muốn mẹ tôi thấy mình vô dụng mà về. Giờ cần người trông con, cô ấy thà bỏ ra mấy triệu thuê người trông trẻ chứ nhất định không nhờ bà nội.
Chỉ vì cô ấy sợ bà sẽ ở lâu, thấy ở thành phố sướng hơn sẽ không muốn về quê nữa, nếu vậy thì sẽ phải nuôi luôn bà.
Vợ tôi không hề biết rằng, mẹ tôi thực sự không thiếu tiền. Cả đời bố mẹ tôi làm lụng, buôn bán tích cóp nuôi anh em tôi không thiếu thốn thứ gì.
Ruộng vườn được đền bù, tiền tỷ cũng có. Chẳng qua sống ở quê, vất vả đã quen, nhu cầu không nhiều nên mẹ không sắm sửa trong nhà.
Hồi tôi lấy vợ rồi quyết định mua nhà, mẹ bảo cho tôi tiền. Mẹ cầm thêm sổ đỏ cho tôi để không phải mua nhà trả góp.
Nhưng tôi bảo mẹ là chúng tôi còn trẻ, cần có động lực để phấn đấu, cái gì cũng dựa vào mẹ thì bao giờ cho trưởng thành. Mẹ nghe tôi nói có lý nên gật đầu: "Nhưng khó khăn quá thì cứ nói, tiền của mẹ cũng là để cho các con thôi".
Chuyện mẹ tôi nói cho tiền mua nhà nhưng tôi không nhận, tôi không nói với vợ. Nhìn nhà người ta mua đất, mua nhà, có bố mẹ cho thêm tiền, nhiều khi cô ấy cũng "bóng gió" rằng, vợ chồng mình tay trắng nên vất vả. Vợ tôi vì thế luôn nghĩ nhà tôi ở quê nghèo khổ, túng thiếu.
Mẹ tôi luôn khen vợ tôi lễ phép, khéo ăn khéo nói. Bà tự hào với anh em làng xóm mỗi khi nhắc tới con dâu. Rằng bà ra đó, con dâu thương bà, không để bà động tay động chân việc gì. Mẹ tôi nào có biết, đằng sau vẻ ngoan hiền ấy lại là những suy nghĩ tính toán, xấu xí của vợ tôi.
Chính tôi từ trước tới nay cũng luôn nghĩ vợ tôi tâm tính thiện lành. Nay nghe những lời cô ấy nói mà lòng trào lên nỗi thất vọng, vừa buồn vì vợ, vừa thương mẹ nhiều thêm.
Thôi thì tôi cứ kệ cô ấy, nhất định không nhờ mẹ lên nữa. Để xem với khoản thu nhập không dư dả, lại nuôi thêm một bảo mẫu, cô ấy sẽ xoay xở thế nào.