Đó là trường hợp của bé Trần Tiến Phước (5 tuổi, quê Kiên Giang). Đứa bé bất hạnh hiện đang được điều trị tại khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng sức khỏe đang rất yếu.
Ngồi cạnh bên, bà Lê Thị Mình (56 tuổi, bà ngoại đứa bé) nhìn cháu bằng cặp mắt đỏ hoe. Bà như không tin vào sự thật đang diễn ra, khi mới hơn 1 tuần trước, cháu bà vẫn còn là một đứa trẻ khỏe mạnh, hoạt bát.
Cọng dây kẽm oan nghiệt
Bà Mình kể: "Hôm đó là vào buổi sáng, tầm 9h ngày 7-3. Ông ngoại nó đang cột sào đồ phía sau nên không để ý thằng bé, đến nỗi nó lượm cọng kẽm dưới đất mà không hay. Không ngờ thằng bé hiếu động, chạy lại chỗ ổ điện bắc ghế leo lên cắm vào. Điện giật mạnh, truyền thẳng vào hai bàn khiến bé Phước bất tỉnh ngay lập tức".
Một lát sau, ông ngoại vào nhà thấy cháu Phước nằm dưới nền. Tưởng cháu đang ngủ nên lại gần định bế cháu lên thì cũng bị luồn điện mạnh giật văng ra ngoài. Giật mình hốt hoảng, người ông chạy đến cắt điện rồi gấp gáp ôm cháu Phước đưa đi bệnh viện.
Bé Phước nằm tại BV địa phương một ngày trước khi chuyển lên tuyến trên vì vết thương quá nặng. Khi nhập viện tại BV Nhi Đồng 1, đứa bé đã trong tình trạng bỏng và hoại tử hai bàn tay, vùng mặt và mắt cũng bị tổn thương sâu.
Ths.BS Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, BV Nhi đồng 1 cho biết, trước tình trạng bỏng điện nặng, cháy sâu hai bàn tay, khả năng phải đoạn chi cho đứa bé là rất cao. Hôm nay (16-3), ekip điều trị sẽ phẫu thuật tháo khớp 4 ngón tay bị hoại tử để giải thoát đứa bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.
"Chúng tôi sẽ cố gắng giữ lại các ngón tay khác cho bé. Tuy nhiên, khả năng di chứng để lại sẽ rất nặng nề, vì các ngón tay bị cháy rất sâu, sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động. Ngoài ra, vùng mặt cũng bị bỏng ở cấp độ 3, sẽ để lại sẹo rất sâu, một bên mắt bé cũng bị ảnh hưởng".
Gặp con trong bệnh viện
Ngồi quạt cho con trai, chị Nguyễn Thị Diễm (27 tuổi, mẹ bé Phước) nghẹn ngào nói: "Đáng ra 30-4 này em mới về quê thăm con, vậy mà giờ lại gặp sớm hơn trong bệnh viện…".
Chị Diễm chia sẻ, hôm con trai gặp nạn, sợ chị lo lắng nên người nhà không dám báo gì. Mãi đến khi nghe BS nói tình trạng của bé quá nặng, mẹ chị mới gọi điện báo tin. Hơn 1 năm nay, người phụ nữ lên Bình Dương làm công nhân cho một công ty gỗ, khi chuyện cày sâu cuốc bẵm dưới quê không đủ để gia đình no ấm.
"Nhà không có ruộng đất, nên cha mẹ và mấy anh trong nhà cũng phải đi làm mướn cho người ta. Mới mấy ngày trước em còn định sẽ ráng làm, dành dụm để cuối năm nay gửi tiền về cho thằng nhóc đi học, vì nó gần 6 tuổi rồi. Giờ nghe tin này thì sức lực như tiêu tan hết. Lúc đưa bé đi BV, anh trai em phải chạy tiền, ra tiệm vàng mượn đỡ 10 triệu đồng để lo cho bé".
Tôi hỏi chị, vậy còn cha bé đâu, người mẹ trẻ chợt im lặng vài giây. Rồi chị cũng nói: "Hai vợ chồng ly hôn từ lúc thằng bé mới 6 tháng, vì bên chồng em khó lắm, em không sống chung nổi. Từ lúc đó tới giờ, một mình em làm quần quật để lo cho con, ba nó không còn lo gì nữa…".
Gánh nặng gia đình giờ đây một mình người mẹ trẻ gồng gánh, khi ngoài đứa con trai bất hạnh, cha chị Diễm cũng mắc căn bệnh tim, còn người mẹ thì mang trong mình chứng đau thần kinh tọa.
BS Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Nhi Đồng 1 cho biết, trước tình cảnh quá khó khăn của gia đình cháu bé, lãnh đạo BV đã quyết định miễn phí điều trị cho cháu. Dù vậy, vì vết thương rất sâu nên việc điều trị có thể kéo dài hàng tháng trời với chi phí rất tốn kém.
Quan trọng hơn còn là việc ổn định tinh thần, bởi biến cố xảy ra rất bất ngờ khiến mẹ và bà ngoại cháu có phần suy sụp.
Đã đến giờ đứa bé vào phòng mổ. Bé Phước hoảng sợ, đưa mắt nhìn mẹ và bà ngoại rồi cất lên tiếng khóc. Chị Diễm một tay ôm con, tay kia vẫn quạt, liên tục dỗ dành. Chưa biết cuộc phẫu thuật sẽ tiến triển ra sao, nhưng trước mặt người mẹ là núi muộn phiền khó tả.