Báo Tiền phong dẫn nguồn thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổ cứu nạn, cứu hộ công trình cầu kênh Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã hạ hoàn chỉnh tầng khung chống 4 và đào được sâu hơn tầng 4 khoảng 2m.
Dự kiến đào thêm khoảng 0,5m nữa, đội thi công sẽ tiến hành cắt các đầu cọc bê tông xung quanh để lắp tầng khung chống 5.
Bên cạnh đó, tổ cứu nạn, cứu hộ tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm và sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại các khu vực chật hẹp mà gầu cạp, gầu ngoạm không thao tác được.
Trước đó, tổ cứu nạn, cứu hộ công trình cầu kênh Rọc Sen đã tập kết đến công trường đầy đủ các thiết bị phục vụ công việc gồm: gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m, búa rung 180kW và máy phát điện kèm theo.
Như đã đưa tin, vào trưa ngày 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba người bạn vào công trình cầu kênh Rọc Sen và không may gặp nạn. Tại đây, Nam bị rơi xuống trụ bê tông rỗng bên trong có đường kính 25cm. Trụ bê tông này đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng cùng phương tiện chuyên dụng được huy động đến hiện trường giải cứu bé trai.
Tối ngày 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.
Đến nay đã 13 ngày triển khai công tác cứu hộ với nhiều thiết bị máy móc và hàng trăm người thay phiên cứu hộ. Lực lượng cứu hộ hiện vẫn làm việc ngày đêm với sự tư vấn của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù nhiều nỗ lực nhưng tổ cứu nạn, cứu hộ vẫn chưa xác định thời gian đưa thi thể bé Hạo Nam lên.
Theo dõi vụ việc, nhiều người thắc mắc và đặt câu hỏi vì sao việc kéo ống trụ bê tông lên lại khó khăn và mất nhiều thời gian như vậy? Ngoài những yếu tố về địa chất, thiết bị thiếu, thì yếu tố về kỹ thuật cũng được các chuyên gia lý giải.
Giám đốc một công ty chuyên xây dựng các cầu lớn ở phía Nam cho biết, phương án cứu nạn hiện nay của các lực lượng chức năng đang đi đúng hướng và không thể nóng vội.
"Ống cọc bê tông được đóng xuống sâu vào lòng đất đến 35m, xung quanh là lớp đất sét bám chặt vào cọc. Khi kéo lên, lớp đất sét càng bám chặt vào cọc hơn, tạo lực ma sát rất lớn.
Cùng với đó, khi cọc kéo lên sẽ tạo hiệu ứng hút chân không, vì khoảng không gian mà cọc đã đóng xuống. Có thể hình dung như một xi lanh kim tiêm, khi bịt lại một đầu, việc kéo xi lanh lên sẽ khó khăn vì phía dưới là chân không. Cả hai yếu tố ma sát và chân không khiến việc kéo cọc lên không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ.
Thứ hai, ống cọc bê tông dài 35m nhưng được nối bởi 3 cọc bằng 2 mối hàn và chỉ hàn vỏ cọc bên ngoài, không phải hàn toàn bộ cọc. Các mối hàn này chịu lực đóng xuống rất tốt, nhưng chưa hẳn chịu lực kéo lên tốt. Vì vậy, nếu kéo căng quá có thể gây đứt mối hàn, có thể kéo lên được 2 cọc, 1 cọc bị đứt nằm ở lại dưới sâu sẽ càng khó khăn hơn.
Dùng búa rung để rung cọc, nhằm vắt ra nước, giảm ma sát giữa lớp đất sét và cọc bê tông, giúp quá trình kéo lên thuận lợi hơn. Nhưng nếu rung quá nhiều cũng có khả năng làm đứt mối hàn giữa các cọc. Trường hợp xấu cũng có thể làm đứt mối nối.
Giải pháp mà các lực lượng đang thực hiện là đúng phương pháp, phải cẩn trọng, kiên trì. Dùng khoan xoắn để khoan, phá, làm tơi lớp đất sét mới dễ dàng kéo cọc bê tông lên", báo Giao thông dẫn lời vị giám đốc.