Thiếu ngủ là chuyện bình thường nhưng nếu tình trạng này cứ kéo dài từ ngày này sang ngày khác thì nó sẽ trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Vì giấc ngủ là thiết yếu và nó có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Những yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ
Một loạt các yếu tố ảnh hưởng tới giấc ngủ chẳng hạn như tình trạng béo phì, yếu tố sinh học trong cơ thể bị rối loạn, yếu tố di truyền, stress, chế độ ăn uống thiếu rau xanh, hút thuốc và sử dụng chất kích thích...
Tác hại của việc thiếu ngủ
Ảnh hưởng tới nhận thức, tâm trạng
Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến các hành vi bất thường, ảo giác, khả năng suy luận cũng như phán đoán bị suy giảm.
Thiếu ngủ lâu dài còn làm tăng nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên bởi không kiếm soát được suy nghĩ tiêu cực và hành vi. Khó chịu, tâm trạng thất vọng, mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến nhất của việc thiếu ngủ.
Tăng nguy cơ tử vong
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có giấc ngủ bị gián đoạn, giấc ngủ kém có liên quan đến việc tử vong sớm. Nguyên nhân tử vong có thể là vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là do các bệnh tim mạch.
Mắc các bệnh về tim mạch
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thiếu ngủ có tác động tiêu cực đến tim. Khi các nhà nghiên cứu giữ một số tình nguyện viên tỉnh táo liên tục 88 giờ, huyết áp của họ tăng lên.
Ngay cả những người tham gia được phép ngủ 4 tiếng mỗi đêm cũng có nhịp tim tăng cao khi so sánh với những người được ngủ 8 tiếng. Nồng độ protein C-reactive, một dấu hiệu của nguy cơ bệnh tim, cũng tăng ở những người thiếu ngủ.
Tác động đến hệ thống miễn dịch
Các nhà khoa học đã khám phá ra việc ngủ không đủ có thể khiến hệ miễn dịch của bạn hoạt động kém. Đó cũng là lý do mà tại sao bạn lại cảm thấy mệt mỏi hoặc hay bị ốm.
Béo phì
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng và ngủ đủ giấc là điều cần thiết kể ngăn ngừa béo phì. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa mất ngủ và béo phì. Khi thiếu ngủ, cơ thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, các cơ quan không đảm trách được chức năng vốn có của cơ thể, khiến cho lượng calo không thể tiêu hao, tăng lượng mỡ tích tụ.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nếu thiếu ngủ lâu ngày làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu chỉ rõ những tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ liên quan đến chức năng trao đổi chất và nội tiết. Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Phải thức giấc khi cơ thể cần ngủ làm rối loạn cơ chế của cơ thể, dần dẫn đến sự kháng insulin, gây tiểu đường.
Tăng nguy cơ ung thư
Ngủ không đủ giấc, bao gồm cả giấc ngủ ngắn hoặc giấc ngủ bị gián đoạn có liên quan đến việc tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt ở ung thư vú. Khi thiếu ngủ, cơ thể giảm khả năng sản sinh melatonin - một hormone có vai trò bảo vệ tế bào thần kinh, chống oxy hóa, gây ra tích tụ các chất động trong não. Do đó, khi các gốc tự do không được loại bỏ triệt để sẽ có khả năng hủy hoại những tế bào và gây ung thư.