Với vai trò là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên Đán mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, người Việt từ xưa đến nay vẫn luôn gìn giữ được những lễ nghi tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền.
Lễ cúng ông Táo
Người xưa quan niệm ông Táo tức thần bếp chính là người ghi chép và theo dõi tất cả những gì con người đã làm trong năm. Tới ngày 23 tháng Chạp ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên trời để trình báo với Ngọc Hoàng những hoạt động dưới hạ giới.
Thế nên vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm gia đình nào cũng làm cơm, cúng cá chép sống, vàng mã, y phục làm bằng giấy gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo,... để tiễn ông Táo về chầu trời. Sau khi cúng xong người ta sẽ hóa vàng và mang cá chép ra sông, hồ để thả phóng sinh.
Lễ chạp mả, tảo mộ
Người Việt có câu “người ta sống vì mồ vì mả, chứ ai sống vì cả bát cơm”. Thế nên, đối với người Việt Nam việc chăm sóc mồ mả tổ tiên rất được coi trọng. Lễ chạp mả, tảo mộ được hiểu là con cháu đi thăm mồ mả ông bà tổ tiên cuối năm để sửa sang, quét dọn và thắp hương rước linh hồn tổ tiên để về ăn tết cùng con cháu.
Nhìn chung, tảo mộ và chạp mả có khác nhau. Tảo mộ thường diễn ra vào dịp tiết Thanh minh của Trung Quốc và chỉ diễn ra ở không gian khu mộ táng. Với mục đích là để tu sửa phần mộ rồi thắp hương, đặt hoa quả lên đó và tưởng nhớ người đã khuất, thường mang tính gia đình.
Còn chạp mả thường diễn ra vào tháng Chạp, ở không gian khu mồ mả và nhà thờ tộc. Cụ thể, các thành viên tham gia phải thuộc tộc họ, các chi phái. Ngoài ra, lễ này còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc.
Lễ cúng tất niên
Đây là một lễ cúng tổng kết công việc của năm cũ. Lễ cúng tất niên ngoài cúng tổ tiên ra còn cúng cả thần hành khiển cai quản năm cũ. Còn đối với gia đình nào làm nghề buôn bán, nghề thủ công thì lễ cúng tất niên chính là dịp thờ cúng tổ nghề của họ.
Lễ này thường diễn ra từ sau ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Ngày nay, do cuộc sống quá bận rộn nên mỗi gia đình thường tổ chức cúng tất niên vào chiều 30 Tết để thành viên trong gia đình cùng có mặt đầy đủ.
Lễ rước vong linh ông bà
Đây là lễ nghi được tổ chức vào chiều 30 Tết. Thông thường, mỗi gia đình sẽ bày các đồ ăn, lễ vật trên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Các thành viên thường quây quần cùng nhau để ôn lại truyền thống gia đình, bàn luận về những việc đã xảy ra trong năm cũ và những kỳ vọng cho năm mới.
Thế nhưng, hiện nay lễ này không còn phổ biến nữa mà người ta đã gộp lễ rước vong linh ông bà cùng với lễ cúng tất niên để làm chung cho tiện.
Lễ Trừ tịch
“Trừ tịch” có nghĩa là “đêm của thời khắc giao thừa”. Theo quan niệm của người xưa mỗi năm sẽ có một vị quan hành khiển cai quản các công việc trong năm đó. Thời khắc Trừ tịch là lúc chuyển giao năm cũ với năm mới và cũng là thời khắc quan hành khiển của năm cũ bàn giao công việc cho vị quan cai quản năm mới.
Thế nên từ “giao thừa” được giải thích là “cũ giao lại, mới đón lấy". Bắt đầu từ 11h đêm 30 tết, mỗi gia đình sẽ bày một mâm lễ vật bao gồm gà luộc, xôi, bánh trưng, trầu rượu, vàng hương…vv ra ngoài trời để cúng các quan hành khiển, các vị thiên binh, thiên tướng.
Sau khi cúng giao thừa xong, gia chủ mới cúng tới thần Thổ Công. Chỉ khi hoàn thành tất cả các nghi lễ này thì lúc đó tết mới thực sự đã đến với gia đình.
Lễ cúng cơm đầu năm
Buổi sáng mùng 1 nhiều gia đình thường ngủ muộn vì hôm trước thức đêm để đón giao thừa. Do đó, sau khi thức dậy các thành viên trong gia đình thường làm cơm cúng thần linh, tổ tiên trong ngày đầu năm.
Vì quan niệm btrong 3 ngày Tết linh hồn của ông bà, tổ tiên sẽ cư ngụ trên bàn thờ cùng con cháu ăn Tết nên mỗi gia đình thường làm cơm cúng vào buổi sáng từ mùng 1 tết cho tới ngày hóa vàng.
Ngoài ra, có nhiều gia đình còn cẩn thận hơn khi làm cơm cúng mỗi ngày 2 bữa sớm chiều với hy vọng linh hồn các cụ được cấp dưỡng đầy đủ, không bị thiếu thốn.
Lễ hóa vàng
Hóa vàng tức là đốt những đồ vàng mã trên bàn thờ tổ tiên trong mấy ngày tết để tiễn linh hồn gia tiên về trời. Tùy từng gia đình và từng hoàn cảnh mà người ta sẽ tổ chức lễ này vào một buổi khác nhau trong khoảng từ chiều mùng 2 tết tới Rằm Tháng Giêng.
Cụ thể, ở thành thị do nhu cầu đi du xuân, du lịch trong dịp tết nên mấy năm gần đây mọi người thường làm lễ cúng hóa vàng khá sớm là ngay chiều mùng 2 tết. Còn ở nông thôn thì thường muộn hơn, có gia đình tới tận Rằm Tháng Giêng mới làm lễ hóa vàng gộp chung với lễ cúng rằm tháng giêng.
Lễ cúng Rằm Tháng Giêng
Đối vơi người Việt Nam lễ cúng Rằm Tháng Giêng là một lễ cúng rất trọng, lớn hơn hết thảy các lễ cúng rằm trong năm. Khi lễ này kết thúc cũng chính thức báo hiệu ngày Tết đã kết thúc.
Các hoạt động đời sống thường ngày lại tiếp tục diễn ra như cũ. Vào tối ngày Rằm Tháng Giêng, mỗi gia đình ngoài cúng cơm trên bàn thờ tổ tiên thì còn đi lễ chùa cầu nguyện và dâng sao giải hạn.