Để tái sử dụng khẩu trang, nhiều người mách nhau đun sôi cho vào nồi hấp, phun cồn, chiếu xạ bằng tia cực tím, rồi mới đây có những chuyên gia hướng dẫn phun ít nước lên bề mặt khẩu trang rồi cho vào lò vi sóng quay 1 phút... Những phương pháp này đang được nhiều người chia sẻ.
BS Trần Văn Phúc - (BV Xanh Pôn) đã có chia sẻ trên trang cá nhân rằng khẩu trang muốn tái sử dụng lại phải đảm bảo 3 yếu tố: Loại bỏ được virus và mầm bệnh; Vô hại với người dùng; Giữ được sự toàn vẹn về chức năng phòng bệnh. Mọi biện pháp tái chế đều không đảm bảo được 3 yếu tố trên.
Tái sử dụng khẩu trang sẽ giảm hoặc thậm chí mất khả năng ngăn chặn virus xâm nhập. Ảnh SCMP
Khẩu trang N95 hay khẩu trang y tế, để đạt được tiêu chuẩn chống virus cần có "lớp lọc" để hấp phụ và chặn các hạt siêu mịn (aerosol) nên chúng được chế tạo bằng các sợi siêu mịn từ vật liệu polypropylen. Vật liệu polypropylen có dạng sợi vi mỏng, mỏng hơn mười lần so với tóc, vào khoảng 2µm. Những sợi này không chịu được nhiệt độ cao. Ở điều kiện hơn 80°C, các sợi polypropylen sẽ co lại và biến dạng, tạo ra những lỗ hổng và giảm hoặc mất khả năng ngăn chặn các hạt siêu mịn.
Theo yêu cầu kĩ thuật, phải đảm bảo thông gió thoải mái trong khi vẫn cản được các hạt siêu mịn chứa virus, vì thế mà khả năng chống hút của khẩu trang y tế với áp lực không thể vượt quá 343 Pascals. Để tăng hiệu quả hấp phụ hạt siêu mịn chứa virus, vật liệu lọc cần phải "xử lý điện" để tạo nên một lượng điện tích nhỏ. Như vậy, dù cho khẩu trang vào nồi nước đun sôi, cho vào nồi hấp ở nhiệt độ cao, về nguyên tắc virus SARS-CoV-2 sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng lớp màng lọc khẩu trang bị biến tính về cấu trúc sợi polypropylen và mất khả năng tích điện. Khẩu trang giảm hoặc thậm chí mất khả năng ngăn chặn virus xâm nhập.
Một số nhà nghiên cứu hi vọng sử dụng lò vi sóng để tiêu diệt virus bằng cách phun một ít nước lên khẩu trang rồi cho vào lò vi sóng quay khoảng 1 phút, nhưng kỹ thuật này thực sự không có hiệu quả. Lí do, các giọt nước hấp thụ năng lượng từ sóng viba làm tăng nhiệt độ lên rất cao sẽ gây biến tính sợi polypropylene. Virus kích thước siêu nhỏ cỡ nanomet có thể không nằm trong giọt nước nên không nhận đủ năng lượng từ vi sóng để bị ảnh hưởng, nghĩa là virus ít bị phá hủy.
Nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy, khẩu trang N95 và khẩu trang y tế luộc trong nước, hấp, sấy, khử trùng bằng cồn, chiếu tia cực tím, hay cho vào lò vi sóng quay khả năng ngăn chặn virus từ 95% giảm xuống còn 60% tương đương với khẩu trang vải mà thôi.
Theo BS Phúc, sản xuất khẩu trang có công đoạn khử trùng bằng khí ethylene oxide. Điều này chỉ có thể thực hiện ở cơ sở sản xuất khẩu trang mà người dân không thể làm được. Hơn nữa, khẩu trang liên tục hấp thụ hơi nước do cơ thể con người thở ra trong quá trình sử dụng. Hơi nước sẽ làm mất dần các điện tích của lớp lọc nên giảm khả năng hấp phụ. Vì vậy, nhà sản xuất không được phép dùng khẩu trang cũ để khử khuẩn theo phương pháp này rồi tái sử dụng.
Thay vì tái sử dụng khẩu trang y tế thì hãy sử dụng khẩu trang vải giặt luôn sau mỗi lần sử dụng.
Chuyên gia cho rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, khi chưa có vaccine và thuốc kháng virus đặc hiệu, để phòng nhiễm bệnh mỗi cá nhân cần phải tuân thủ chặt 3 nguyên tắc:
+ Giữ khoảng cách an toàn xã hội: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m với người bên cạnh. Từ bỏ thói quen bắt tay, thói quen ôm hôn khi gặp mặt. Không tụ tập đông người, không đến những nơi công cộng, không đi tàu xe, không đến bệnh viện nếu đó không phải là những tình huống bắt buộc.
+ Thiết lập rào cản vật lí: Đeo khẩu trang đúng cách và thực hành rửa tay bằng xà phòng thông thường hoặc dung dịch sát khuẩn là cực kì quan trọng để phòng nhiễm SARS-CoV-2.
+ Không tiếp xúc với tác nhân có nguy cơ gây bệnh: Cụ thể, người bệnh đã xác định, người nghi ngờ lây nhiễm, người có nguy cơ lây nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc phải sử dụng các biện pháp phòng vệ như đeo khẩu trang phòng độc hoặc khẩu trang y tế, mặc quần báo bảo hộ.