Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn đại dịch bùng phát trên toàn cầu (từ ngày 30/12/2019 đến ngày 25/10/2021), số trẻ em dưới 5 tuổi mắc COVID-19 chiếm 2% (1.890.756 trẻ) và tỷ lệ tử vong là 0,1% (797 trẻ), số trẻ em từ 5 đến 14 tuổi mắc COVID-19 chiếm 7% (7.058.748) và tỷ lệ tử vong là 0,1% (1.328 trẻ), số thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi mắc COVID-19 chiếm 15% (14.819.320 người) và tỷ lệ tử vong là 0,4% (7.023 trường hợp).
Tuy nhiên, số trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em đã tăng đột biến trong năm 2022 do biến chủng Omicron, nhất là vào thời điểm hầu hết các quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại Mỹ, vào tháng 7/2022, đã có 14.003.497 trẻ em mắc COVID-19 được báo cáo, chiếm tỷ lệ 18,6% trong tổng số ca mắc được báo cáo, tỷ lệ mắc chung ở trẻ em là 18.605 trường hợp trên 100.000 dân số trẻ em. Ở phạm vi toàn cầu, đến ngày 24/7/2022, số trẻ em mắc COVID-19 dưới 5 tuổi và từ 5-14 tuổi chiếm tỷ lệ lần lượt là 2,47% và 10,44%. Ở độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên (15 đến 24 tuổi), tỷ lệ mắc chiếm 13,91%. Về tử vong ở trẻ em do COVID-19, dưới 5 tuổi chiếm 0,11% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi từ 5-14 tuổi chiếm 0,089%, 15-24 tuổi chiếm 0,37% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Cũng theo WHO, đã có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả khi cho trẻ em tiêm vắc xin, trong đó tác dụng mong đợi nhất là làm giảm tỷ lệ nhập viện, qua đó không làm gián đoạn chuyện học hành của các cháu, giảm nguy cơ chuyển nặng và giảm tử vong ở trẻ em.
"Tuy con số trẻ em tại TP HCM phải nhập viện vì mắc COVID-19 hiện nay chưa ở mức báo động như thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội trên địa bàn Thành phố trong năm 2021 (giai đoạn cả Thành phố chưa có vắc xin), nhưng rõ ràng là số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện vì có triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu tăng dần.
Nếu như chỉ có một vài trường hợp trẻ mắc COVID-19 phải nằm viện cách đây vài tuần thì nay con số này đã có dấu hiệu nhích dần lên mỗi ngày. Đặc biệt, các bệnh nhi này đều chưa tiêm vắc xin, ngoài lý do trẻ còn nhỏ chưa có chỉ định tiêm, vẫn có trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi chưa được tiêm", Sở Y tế TP HCM thông tin.
Nhiều phụ huynh không nhận được tin nhắn kêu gọi tiêm vắc xin cho con
Tìm hiểu lý do vì sao vẫn còn nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, ngày 12/8/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tiến hành khảo sát nhanh các thông tin liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 của 609 phụ huynh có con em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (bao gồm 369 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và 240 trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi).
Kết quả cho thấy có 133/609 trẻ vẫn chưa được tiêm vắc xin (21,8%), trong đó, có 17 phụ huynh không nhận được bất kỳ tin nhắn nào của nhà trường kêu gọi phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19, 37 phụ huynh đã ký đồng thuận tiêm trước đó nhưng cũng chưa nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo ngày tiêm, điểm tiêm, và có đến 84 phụ huynh cho biết chưa nhận được bất cứ khảo sát nào của nhà trường hỏi về tiền sử mắc và tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các cháu.
Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo khẩn trương chỉ đạo các phòng Giáo dục quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Ban giám hiệu tất cả trường học từ trường mầm non đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng cường công tác truyền thông, nhất là gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh.
Thời điểm hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì học sinh còn đang nghỉ hè, số lượng vắc xin mRNA luôn sẵn có tại các cơ sở y tế và nhất là số trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng.
Theo công bố của Bộ Y tế ngày 11/8, 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 56% cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là: Hà Nội (55,5%); Hà Tĩnh (48,4%); Đà Nẵng (40,2%); Quảng Nam (43,6%); TP HCM (49,2%).
Nếu so sánh kết quả tiêm của ngày thứ tư (10/8/2022) với 7 ngày trước (03/8/2022) thì tổng số mũi tiêm cho trẻ em trên địa bàn thành phố HCM vẫn không đạt như mong đợi, cụ thể là số mũi tiêm của ngày 10/8 (14.269 mũi) chỉ đạt 76% so với ngày 03/8.