Trong nhiều cuộc thi nhan sắc, trình diễn bikini là phần thi quan trọng để tìm ra cô gái có hình thể đẹp nhất. Tuy nhiên, trên thế giới, thời gian qua, ngày càng nhiều cuộc thi sắc đẹp bỏ phần thi bikini như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Italy, Hoa hậu Argentina… và mới đây nhất là Hoa hậu Mỹ.
Theo bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989, cuộc thi sẽ là một cuộc ganh đua thực sự về trí tuệ, tài năng, lòng nhân ái chứ không đơn thuần là nơi trình diễn sắc đẹp.
Về phía Việt Nam, mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết sẽ lấy ý kiến và dự tính thay phần thi áo tắm bằng trang phục thể thao hoặc trang phục khác trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam. Quyết định này gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Siêu mẫu Hà Anh, người từng có kinh nghiệm chinh chiến tại đấu trường sắc đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Trái Đất bày tỏ quan điểm rằng, bikini là phần thi không thể thiếu của mỗi cuộc thi sắc đẹp:
Thực chất cuộc thi Hoa hậu Mỹ không phải cuộc thi đầu tiên không có màn trang phục áo tắm. Trước đó cách đây vài năm cuộc thi Miss World cũng chính thức bỏ phần thi áo tắm.
Ở các nước Châu Âu, đặc biệt tại Vương quốc Anh, nơi sáng lập ra cuộc thi Miss World, đã có rất nhiều các tổ chức phụ nữ/ đấu tranh vì quyền phụ nữ từ nhiều năm đã phản đối các cuộc thi sắc đẹp bởi họ cho rằng các cuộc thi sắc đẹp coi phụ nữ là "object"- món hàng- khi đánh giá người phụ nữ qua sắc đẹp, thân hình. Họ cho rằng phụ nữ không nên chịu sức ép khi bị đánh giá về vẻ bề ngoài.
Trong quan điểm của tôi, tôi hiểu rõ vì sao có các động thái phản đối ở Châu Âu và trên thế giơi, nhưng xét về quan điểm chuyên môn, nếu đã tổ chức một cuộc thi Hoa Hậu, có nghĩa rằng đây là một cuộc thi sắc đẹp. Vậy không thể bỏ qua yếu tố vượt trội trong vẻ đẹp hình thể, bên cạnh vẻ đẹp gương mặt lẫn vẻ thông minh, cá tính trong trí tuệ.
Trong các tiêu chí đánh giá, chấm điểm, thang điểm chấm về cơ thể của thí sinh dự thi cũng nắm phần trăm cao trong tổng thế số điểm. Đối với tôi là một người làm nghề, tôi thấy sự khắt khe trong yêu cầu đánh giá về hình thể là điều bình thường, đặc biệt khi người phụ nữ đã đủ tuổi vị thành niên và tự chủ động đăng ký tham gia vào hoạt động này.
Tôi nghĩ rằng một cuộc thi Hoa hậu thực chất là một cuộc thi nhằm mục đích giải trí! Một cuộc thi, dù cô gái ấy có thắng cuộc cũng không thực sự có nghĩa rằng cô ấy là cô gái đẹp nhất đất nước, thế giới... cũng không có nghĩa rằng cô ấy là người có trí tuệ ưu việt nhất, tâm hồn đẹp nhất! Nên bỏ màn thi bikini không có nghĩa sẽ "giúp" tập trung đánh giá trí tuệ và tâm hồn một người phụ nữ bởi bản chất giá trị trí tuệ và tâm hồn của một người phụ nữ không thể đánh giá được qua một cuộc thi chỉ diễn ra vỏn vẹn 2,3 tuần, lại càng không thể bởi một dàn giám khảo 7-10 người.
Còn nếu coi chương trình là một chương trình mang tính giải trí thì không việc gì phải bỏ màn thi bikini vì thực chất đây là màn thi mang lại sự hấp dẫn cho cuộc thi.
Tôi nghĩ nếu đã tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thì không nên bỏ phần thi bikini. Còn nếu đã không tổ chức thì thôi!
Một cuộc thi sắc đẹp mà không có màn bikini thì không khác gì một trận đá bóng bỏ đi màn sút phạt penalty.
Á hậu Thụy Vân không ủng hộ việc bỏ phần thi bikini vì 3 lý do: Thứ nhất, hình thể là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá một cô gái có được tài sắc vẹn toàn hay không. Công chúng cũng có quyền được chiêm ngưỡng, được đánh giá những nét đẹp hình thể của cô Hoa hậu.
Thứ hai, phần thi bikini cho thấy vẻ đẹp hiện đại, năng động của những cô gái thế kỷ 21. Đó cũng là phần thi để các cô gái thể hiện sự tự tin của mình, vì sao lại tước đi quyền đó của họ.
Thứ ba, các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới đều coi bikini là một trong những phần thi hấp dẫn nhất và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là nơi để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ. Đối với một hoa hậu, vẻ đẹp hình thể cũng không kém phần quan trọng so với vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ.
Tôi đồng ý là ở một vài cuộc thi, cán cân của vẻ đẹp trí tuệ đang bị xem nhẹ, nhưng điều đó không có nghĩa khi mình cắt phần thi bikini đi thì vẻ đẹp trí tuệ lên ngôi. Điều đó phụ thuộc vào BTC cuộc thi đặt ra tiêu chí như thế nào. Những cuộc thi nhan sắc tử tế, BTC sẽ đánh giá được điều gì là quan trọng nhất, đó là trí tuệ, là vẻ đẹp tâm hồn của thí sinh.
Hoa hậu Việt Nam năm 2010 Đặng Thị Ngọc Hân lại ủng hộ việc loại bỏ phần thi bikini: “Mặc dù từng tham gia thi trình diễn áo tắm và thấy nó “không có vấn đề gì”, nhưng tôi đánh giá quyết định bỏ phần thi bikini của BTC Miss America “rất hay và văn minh”. Quyết định này cho thấy các cuộc thi hoa hậu càng ngày càng hướng về vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của người phụ nữ. Bấy lâu nay, mặc dù tôn trọng các ý kiến khác nhau, từ đồng tình đến phản đối với phần thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp, nhưng bỏ phần thi áo tắm không ảnh hưởng gì tới mục đích chọn ra được người đẹp xứng đáng để đăng quang, thậm chí nó sẽ giúp tập trung khai thác, làm bật vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của các thí sinh, khiến các cuộc thi nhan sắc sẽ có chiều sâu hơn”.
Trước ý kiến cho rằng nếu không thi áo tắm thì rất khó để cho điểm về ngoại hình của các thí sinh dự thi, Ngọc Hân lập tức phản biện. Cô cho biết, không nhất thiết phải đưa các cô gái với bộ bikini mỏng manh đi lại, trình diễn trên sân khấu trước rất đông khán giả thì mới có thể chấm điểm được ngoại hình của các thí sinh. Thậm chí, với kinh nghiệm của một hoa hậu, một người mẫu từng nhiều năm trình diễn trên sân khấu, cô cho rằng kỹ thuật trình diễn trên sân khấu thậm chí lại có thể giúp nhiều thí sinh có thể dễ dàng che phủ các khiếm khuyết hình thể chứ không phải là cách duy nhất giúp bộc lộ rõ nhất vẻ đẹp hình thế của các thí sinh.
Ngọc Hân nói thêm, để đánh giá vẻ đẹp hình thể của các thí sinh thì ống kính máy quay, những chỉ số đo đạc hình thể được bác sĩ thực hiện trong phòng kín là cách chính xác nhất.
“Tôi rất thông cảm với những người trong ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp rằng họ cần phần thi áo tắm như là phần hấp dẫn nhất để thu hút công chúng, đặc biệt là công chúng nam giới, theo dõi cuộc thi của họ. Nhưng nếu có một cuộc bình chọn bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu thì tôi sẽ “vote” cho việc loại bỏ này”.