Nếu tiếp xúc ở mức độ vừa phải, hợp lý về thời gian và cường độ thì sóng siêu âm rất an toàn với thai nhi nhưng nếu lạm dụng với cường độ dày, nhiều lần tác động đến phôi thai là tế bào non thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Việc các bà mẹ khi mang thai lạm dụng chuyện siêu âm có thể gây tổn thương đến não bộ của thai nhi. Theo đó, não bé trai có nguy cơ tổn thương nhiều hơn, để lại dị tật lâu hơn so với bé gái.
Đối với xu hướng siêu âm sử dụng sóng siêu âm để xem, chụp ảnh hoặc xác định giới tính thai nhi mà không có chỉ định y khoa lại càng nguy hại. Điều này liên quan đến thời gian thai nhi tiếp xúc với kỹ thuật 3D, 4D dài hơn có thể gây tổn hại cho trẻ.
Siêu âm không an toàn 100%, đặc biệt là siêu âm màu. Sự tổn hại do siêu âm có thể là sinh lý như cân nặng, chiều cao, phát triển não bộ... và cũng có thể là tâm lý. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai nên giảm số lần siêu âm bằng cách tự mình nhận thức được tác hại của siêu âm, kiên nhẫn chờ đợi đến ngày khám thai và không thực hiện siêu âm lưu niệm.
Số lần siêu âm tối thiểu trong thai kỳ là bao nhiêu? Nên là 4 lần ở thai nghén bình thường. Đối với thai nghén nguy cơ cao, yêu cầu người phụ nữ khám thai và siêu âm 4 tuần/lần cho tới tuần thứ 28. Sau đó 2 tuần/lần cho tới tuần thứ 36 và hàng tuần cho tới tuần thứ 40.
Sau khi trễ kinh khoảng 2-3 tuần và thử que lên 2 vạch, bạn nên đi siêu âm để kiểm tra thai đã vào trong buồng tử cung chưa, thai được bao nhiêu tuần và đã có tim thai chưa.
Lần siêu âm ở tuần 12-13 rất quan trọng. Đây là thời điểm sàng lọc dị tật bẩm sinh qua đo độ mờ da gáy kết hợp với tuổi mẹ để làm xét nghiệm Double test tính toán nguy cơ hội chứng Down của bé ở giai đoạn sớm của thai kỳ.
Khi ở tuần thai thứ 32, bạn cần được siêu âm màu 4 chiều để xác định lần cuối về dị tật của thai, theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung kết hợp với khám tổng quát cho mẹ, xem xét vị trí ngôi thai để đánh giá, tiên lượng độ phát triển của thai... Xét nghiệm các chỉ số cho mẹ để chuẩn bị lựa chọn nơi sinh.
Khi thai ở khoảng 35 - 36 tuần: Bạn cần được siêu âm kiểm tra trọng lượng thai, nước ối, dây rốn... Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng bé lúc sinh. Một số nơi sẽ cho bạn làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khỏe của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy mornitor sản khoa sẽ ghi nhận sự thay đổi của tim thai tương ứng với chuyển động thai.