Nén đau thương, Diễm My lo chu toàn đám tang của mẹ, đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Dù vậy nhưng nỗi mất mát là quá lớn khiến cô vô cùng đau khổ và chưa thể lấy lại tinh thần. Diễm My hối hận và vẫn không ngừng trách bản thân vì chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nhất là khi nhớ lại hình ảnh mẹ tảo tần, hi sinh tất cả vì cô.
Trên trang cá nhân, Diễm My đăng tải dòng trạng thái đẫm nước mắt kể về quá khứ cơ cực của mẹ ruột. Dù thiếu thốn vật chất và tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng vì gia đình lục đục suốt nhiều năm trời, nhưng bà vẫn làm tất cả để nuôi con khôn lớn.
Nữ diễn viên nghẹn ngào kể lại: "Cưới bố năm 84, Mẹ bắt đầu chuỗi ngày khổ tâm, sống trong bể khổ cả về tinh thần lẫn vật chất. 6 năm sau khi lấy Bố, vì sức khoẻ yếu từng bị lao và nhiều lý do Mẹ không thể có con. Điều này khiến Bố Mẹ lục đục".
Những tưởng sau khi có con, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và êm ấm hơn, nhưng mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn với mẹ cô: "Tưởng rằng có con sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn, yêu thương hơn, nhưng không, đau khổ chồng chất đau khổ khi My lúc nhỏ bệnh suốt, bị chứng hen suyễn nên My phải nhập viện suốt. Mẹ nuôi My vất vả quá nên lại bị lao phổi lần 2. Mẹ yếu con yếu nên có lúc như những điều xui rủi và gánh nặng cho những người xung quanh. Mẹ vừa nấu cơm vừa may đồ, vừa bán nước đá nước ngọt các thể loại vừa nuôi con không ai phụ giúp, chỉ có bà Tư hàng xóm qua giặt tã cho My một số lần. Nhưng Mẹ hiền khô nhẫn nhịn tất cả, chịu đựng tất cả, vì Mẹ rất yêu Bố, và Mẹ có thể hi sinh tất cả... vì Bố.
Diễm My lớn lên vừa trong tình yêu thương bảo bọc của Bố Mẹ, cũng vừa trong những trận cãi vã mà phần lớn là Bố nói long trời lở đất chấn động cả khu phố".
Dù cuộc sống vất vả, nhưng mẹ Diễm My chính là người phát hiện năng khiếu nghệ thuật của con gái và giúp cô phát triển từ khi mới 5 tuổi qua những bộ phim, chụp ảnh tạp chí… Tuy nhiên, đến khi cuộc sống dần ổn định, con gái có thể kiếm tiền lo cho gia đình thì bệnh của bà lại trở nặng, suy sụp tinh thần vì chồng có người khác.
Cô nghẹn ngào: “Trước đó vì Bố đã quá nản chí trong việc lo cho Mẹ nên đã buông tay và từ năm 17 tuổi My đã bắt đầu thay Bố và ông xe ôm chở Mẹ đi nằm viện và khám bệnh bằng xe đạp điện. Có lúc My thực sự bối rối và bế tắc vì sao Mẹ bệnh hoài mà chưa bao giờ thấy Mẹ khỏe cả và vì lúc đó cũng không có điều kiện cho Mẹ khám những chỗ tốt nên mỗi lần khám bệnh viện công phải chờ đợi rất lâu đôi khi cũng phải chịu thái độ có tâm và có đức của các bác sĩ bệnh viện công và mày mò kèm bế tắc với việc chẩn đoán bệnh hơi có phần mù mờ. Năm 2007 năm My 17 tuổi, Mẹ đã bắt đầu phát chứng bệnh Lupus ban đỏ là căn bệnh hiếm gặp 1/5000 người nên việc mò bệnh của các bác sĩ ở Việt Nam thật gian truân. Mẹ sốt cao đến mức Mẹ bị mất trí nhớ bị sợ hãi và người bắt đầu nổi ban (Mẹ bị lupus ban đỏ hệ thống). Thế là hành trình nằm viện, uống thuốc tây y đông y châm cứu đắp thuốc và đau đớn các khớp bắt đầu chặng đường bệnh mới của Mẹ. Cùng lúc đó Bố bắt đầu có dấu hiệu có người đàn bà khác khiến My và Mẹ vô cùng đau khổ.
My đưa Mẹ ra riêng sống khoảng 1 năm sau đó. 2 mẹ con thuê nhà sống. Lặng lẽ dọn ra sau trận cãi vã với Bố mà My điên đến nỗi đập đổ một số đồ đạc đến sưng cả 10 đầu ngón tay. Sau đó trong một lần Bố đi làm đã dọn hết đồ đạc ra ngoài. Bố về biết được cũng không níu kéo. Có lẽ cuộc sống gia đình đầy đủ Bố Mẹ đã hết duyên gắn kết và chấm dứt việc sống chung kể từ đây".
Sau khi dọn ra ngoài, cuộc sống của hai mẹ con có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian nỗ lục và cố gắng, cô đã có thể lo cho mẹ tốt hơn, đưa bà đi nước ngoài điều trị và bệnh tình được kiểm soát. Dù vậy, khi nghĩ về khoảng thời gian để mẹ ở nhà một mình vì bản thân mãi lo cho sự nghiệp, Diễm My vô cùng ân hận.
Diễm My viết: “Nhưng guồng công việc cứ xoay cùng những mối quan hệ công việc bên ngoài, những bữa cơm nhà với mẹ ít rồi thời gian dành cho Mẹ cũng không có, chỉ lâu lâu dắt mẹ đi ăn rồi kéo mẹ đi theo trong những chuyến công tác để an tâm Mẹ vẫn bên cạnh mình. Cứ đinh ninh rằng Mẹ bệnh rề rề nhưng Mẹ sẽ sống lâu với mình nhưng không thể và không bao giờ có thể tưởng tượng nổi một ngày không còn được nghe Mẹ than đau than mệt, không còn được nghe tiếng ho của Mẹ, không còn thấy Mẹ gọi nhắc ăn uống đúng giờ rồi uống thuốc đúng cử, không còn được mẹ pha cho ly mật ong nghệ nóng mỗi buổi sáng, không còn nghe mẹ cằn nhằn mỗi khi thức khuya vì lo cho sức khoẻ của My, không còn bị mẹ réo về ngủ sớm và không còn được Mẹ ôm mình mỗi khi mình gặp ác mộng nữa.
Ngủ với Mẹ từ nhỏ đến lớn bây giờ quay qua không còn thấy Mẹ nữa, ban đêm không còn thấy Mẹ còn ban ngày nhìn đâu cũng nhớ Mẹ, nhìn đồ vật nào của Mẹ cũng cảm thấy như con dao hun nóng đâm vào tim thế này. Mất mẹ thực sự đau đớn gấp triệu lần so với bất cứ nỗi đau nào trên toàn thế giới này".
Cô vô cùng hối hận vì đã không nói yêu thương mẹ nhiều hơn: “Cuộc sống thật vô thường đã có lúc My tưởng mình có thể kiểm soát được mọi thứ, mọi thứ là do mình, nằm trong tay mình và bởi mình quyết định. Nhưng không, khi Mẹ mất đi rồi mới thấy rằng tất cả những thứ phù phiếm xa hoa kia mà một thời mình đã vật vã vì nó bây giờ chẳng còn nghĩa lý gì nữa... Mẹ mất đi rồi mới thấy rằng, mình có quá nhiều tội lỗi. Mình đã có thể ôm mẹ nhiều hơn, nói thương Mẹ nhiều hơn, tâm sự và dành thời gian cho Mẹ nhiều hơn, kiên nhẫn với Mẹ nhiều hơn, dắt mẹ đi chơi nhiều hơn, quan tâm đến cảm xúc của Mẹ nhiều hơn... mà bây giờ khi mất Mẹ rồi mới thấy hối hận thì đã quá muộn màng”.