Khoảng 20% bệnh nhân nặng, người cao tuổi điều trị hồi sức chưa tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 27/8 số ca COVID-19 mới giảm 998 ca so với ngày trước đó, xuống còn 2.197 ca. Trong ngày có gần 14.000 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần qua khoảng 19.200, tương đương gần 2.800 ca/ ngày;cao hơn so với tuần trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.401.597 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.914 ca nhiễm).
Đến nay tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.140.204 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát và điều trị có 161 trường hợp nặng đang thở ô xy, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 143 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca.
Số bệnh nhân nặng liên tục gia tăng trong những ngày gần đây, tại các cơ sở điều trị cũng thống kê cho thấy nhiều bệnh nhân không tiêm đủ các mũi vaccine theo hướng dẫn, thậm chí nhiều trường hợp chưa tiêm mũi nào.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW mỗi ngày có thêm 5-6 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển về đây điều trị. Các bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đa số các bệnh nhân đã tiêm 2, 3 mũi vaccine COVID-19, nhưng có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm mũi nào.
Nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 rất thấp, chậm
Thống kê của Bộ Y tế ngày 27/8 cho thấy, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 trung bình của cả nước là 76,2%, tuy nhiên vẫn có 5 tỉnh, thành tiêm chậm, thấp, hiện mới từ 52,6%- 58,6%, thấp hơn mức bình quân của cả nước;
Về tiêm mũi 4, đến nay tỷ lệ tiêm bình quân của cả nước là 73,6%, tuy nhiên có 5 tỉnh, thành tiêm rất chậm và thấp, mới chỉ đạt từ 50,5 -55,4%; thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước;
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Y tế cho biết vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi từ nay đến ngày 30/9/2022.
Chiến dịch này nhằm truyền thông về đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng và các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19;
Nguy cơ bị COVID-19 kéo dài ở những người trẻ tuổi cao hơn so với ở những người cao tuổi
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 605,2 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Theo báo cáo của Viện Brookings, khoảng 16 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động mắc chứng COVID kéo dài và 2 đến 4 triệu người trong số đó phải nghỉ việc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa COVID-19 kéo dài là tình trạng các triệu chứng liên quan đến COVID-19 kéo dài ba tháng trở lên sau lần đầu tiên nhiễm virus. Khó để theo dõi và nghiên cứu vì các triệu chứng có thể khác nhau giữa mỗi cá nhân. Các triệu chứng rất đa dạng, từ các rối loạn đường tiêu hóa đến đau dây thần kinh và mệt mỏi.
Phân tích của CDC Mỹ cho thấy nguy cơ bị COVID kéo dài ở những người trẻ tuổi cao hơn so với ở những người cao tuổi. Phụ nữ cũng có nguy cơ bị mắc chứng bệnh này cao hơn so với nam giới với 9,4% phụ nữ trưởng thành ở Mỹ có các triệu chứng của COVID kéo dài so với 5,5% ở nam giới.
Các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó nhận thức, đau thần kinh mãn tính, xuất hiện những dấu hiệu bất thường về giác quan và yếu cơ. Những triệu chứng này có thể khiến cho cơ thể người bị suy nhược và kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi phục hồi từ lần mắc bệnh đầu tiên.