Phụ Nữ Sức Khỏe

Yên Bái: Bé 11 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc ở bệnh viện

Thông tin từ Báo Tin Tức cho hay, anh Đặng Kim Chu (sinh năm 1994, bố cháu H) cho biết, ngày 18/4, cháu bị dị ứng, da nổi mẩn đỏ, gia đình không dùng thuốc gì để chữa trị. Đến ngày 19/4, thấy cháu chưa khỏi bệnh, gia đình đã đưa cháu H xuống Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ để thăm khám và điều trị.

Tại đây, sau khi khám, cháu được đưa vào Khoa nhi của bệnh viện để lấy mẫu máu xét nghiệm. Sau khi lấy xong mẫu máu, các bác sỹ đã tiêm thuốc cho cháu. Khi mũi thuốc đầu tiên, cháu có khóc. Đến mũi thứ hai, cháu ngừng khóc và tử vong ngay sau đó. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mất ý thức, da tái lạnh, không bắt được mạch. Cán bộ y tế tiến hành tiêm Adrenalin, đồng thời tiến hành ép tim, bóp bóng ngay và báo cáo lãnh đạo khoa.

Bệnh viện nơi cháu bé chữa trị. Ảnh: Báo Tin Tức

Theo biên bản làm việc giữa bệnh viện và gia đình, nguyên nhân ban đầu được xác định là sốc phản vệ cấp IV do thuốc Vinsolon. Cháu đã được cấp cứu theo đúng phác đồ nhưng không qua khỏi.

Sáng 20/4, ông Phan Thanh Tôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ cho biết, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện được thành lập gồm các thầy thuốc thuộc các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Nội khoa, Nhi khoa, Dược và các phòng chức năng. Hội đồng tiến hành họp theo quy chế của Bộ Y tế.

Cũng theo VOV, sau khi tiến hành đánh giá quy trình từ khi tiếp nhận, thăm khám, chẩn đoán, xử trí và quá trình cấp cứu khi có sự cố y khoa, Hội đồng chuyên môn kết luận: Nguyên nhân tử vong do sốc phản vệ độ IV nghi do thuốc, ngừng tuần hoàn, mề đay cấp, tiền sử đẻ non, thiếu máu chưa rõ nguyên nhân. Quá trình tiếp đón, chẩn đoán, xử trí và cấp cứu ngừng tuần hoàn đều thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nhân viên y tế thực hiện đúng chức trách, khởi động được quy trình báo động đỏ kịp thời.

Quá trình tiếp đón, chẩn đoán, xử trí và cấp cứu ngừng tuần hoàn đều thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ảnh: VOV

Với chẩn đoán sốc phản vệ biến chứng ngừng tuần hoàn nghi do thuốc, bệnh nhân được tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo đúng phác đồ của Bộ Y tế: ép tim, bóp bóng, đặt nội khí quản, Adrenalin tĩnh mạch. Sau 4 giờ cấp cứu tích cực, xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ, có sự hỗ trợ của các khoa phòng nhưng tim không đập trở lại, bệnh nhân tử vong.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, đây là trường hợp bất khả kháng.

My My (t/h)