Phụ Nữ Sức Khỏe

Vụ tiêu hủy 15 con chó vì chủ mắc Covid-19, chuyên gia nhận định: 'Chỉ cần tắm rửa, cách ly... tiêu hủy là không cần thiết'

Liên quan đến vụ tiêu hủy 15 con chó của người về quê tránh dịch ở Cà Mau, ngày 10/10, báo Người lao động dẫn tin từ PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện Bộ Y tế mới chỉ có khuyến cáo người mắc Covid-19 và người cùng nhà không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng virus SARS-CoV-2 lây lan sang động vật, lây dính trên bề mặt lông của vật nuôi. Đến nay, chưa có khuyến cáo nào nên tiêu hủy vật nuôi để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Rất nhiều người đã dương tính SARS-CoV-2 nhưng ngành y tế chưa có hướng dẫn nào là phải tiêu hủy chó mèo của họ cả”, PGS Nga nói.

Theo PGS Nga, thời gian qua, rất nhiều người mắc Covid-19 có nuôi chó, mèo. Tuy nhiên, trong hướng dẫn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, không có hướng dẫn nào là phải tiêu hủy vật nuôi, chó, mèo của người bệnh.

Bộ Y tế cũng cho biết đã có bằng chứng Covid-19 lây từ động vật sang người qua các đường lây. "Người bệnh có thể truyền virus sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần và ngược lại. Do đó, khi người mắc Covid-19 ôm ấp chó, mèo có thể lây dính virus sang chó, mèo và ngược lại chó mèo mang virus có thể lây sang người khác. Tuy nhiên, nguy cơ này đến từ việc tiếp xúc trên bề mặt da lông của chó, mèo chứ không lây qua đường hô hấp, đường không khí"- PGS Nga giải thích.

Đến nay, Bộ Y tế mới chỉ khuyến cáo người nhiễm SARS-CoV-2 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật. Ngoài ra, người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình...

Do đó, ông Nga cho rằng nếu nghi ngờ chó, mèo mang virus SARS-CoV-2 có thể nhốt riêng chúng lại, cách ly một thời gian, không để người khác tiếp xúc, thay vì tiêu hủy chúng.

Vụ việc hàng chục chó, mèo bị tiêu hủy khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Internet

 Đồng quan điểm trên, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM nhận định: “Việc tiêu huỷ vật nuôi của bệnh nhân Covid-19 là không cần thiết”.

Bác sĩ Khanh phân tích, thực tế, nếu một F0 ôm hôn, ho, hắt hơi, lây dính nước bọt… vào lông, da, móng thú cưng, sau đó có người khác ôm hôn, vuốt ve thú cưng đó thì có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Còn khả năng chó mèo bị nhiễm bệnh rồi lây sang người qua đường hô hấp thì chưa có trường hợp nào.

Tôi cho rằng tình huống này chỉ cần tắm rửa cho vật nuôi sạch sẽ và cách ly chúng với mọi người chứ không cần phải đem tiêu hủy”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó, mèo, vật nuôi là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người.

Tuy nhiên, đã có những công bố xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong chó, mèo nhưng nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi rất thấp.

Trước đó, hình ảnh một vợ chồng đưa đàn chó cùng về quê bằng xe máy trên quãng đường hơn 300km được lan tỏa khắp mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Chủ nhân của đàn chó cho biết, họ xem chúng như thành viên trong gia đình nên khi về quê tránh dịch đã đưa chúng theo cùng.

Tối 9/10, dư luận bức xúc trước thông tin 15 chú chó được đôi vợ chồng đưa từ Long An về xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã bị tiêu hủy. Theo thông tin từ Phòng Y tế huyện Trần Văn Thời, đôi vợ chồng cùng gia đình được xác định mắc Covid-19 nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chó. 

Thư Trang (t/h)