Phụ Nữ Sức Khỏe

Vụ 'loạn luân' gây phẫn nộ ở Tịnh thất Bồng Lai: Chuyên gia tội phạm tiết lộ 'mấu chốt' quan trọng trong quá trình điều tra

Những ngày gần đây, vụ việc liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 7/1, báo Người Lao Động đưa tin, Đại tá Văn Công Minh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An - cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (1991), Lê Thanh Trùng Dương (1995) về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân". Cả 4 bị can đều sinh sống tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. 

Đồng thời, cơ quan chức năng ra lệnh bắt tạm giam 3 bị can, gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương. Riêng bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Tinh that Bong Lai 3
Hiện, ông Lê Tùng Vân đang được tại ngoại để tiếp tục điều tra, khởi tố - Ảnh: Internet

Trước đó, Tuổi Trẻ thông tin, vào ngày 3/1, Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" đối với những người ở "Tịnh thất Bồng Lai". Đồng thời, cư dân mạng đa số bức xúc đối với các hoạt động có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi góp vốn từ thiện và lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân; có dấu hiệu loạn luân... nên gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại phương.

Vào ngày 4/1, nhận được tin báo của nhân dân về việc các đối tượng nhận tiền quyên góp từ thiện có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an Đức Hòa đã tổ chức bắt quả tang và khám xét tại hộ bà Cao Thị Cúc, làm việc với một số trường hợp sinh sống tại đây để làm rõ các hành vi sai phạm có liên quan. Sau khi kết thúc khám xét, cơ quan điều tra mời 14 người có liên quan tại hộ bà Cúc về trụ sở Công an huyện Đức Hòa làm việc.

Tinh that Bong Lai 2
Trong 5 em bé từng thi Thách thức danh hài, có cả con ruột của 'thầy ông nội' - Ảnh: Internet

Liên quan đến quá trình điều tra hành vi loạn luân của ông Lê Tùng Vân, chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nêu rõ, nếu có dấu hiệu của hành vi này thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra, xử lý, theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, thứ nhất, theo Đại tá Thìn, phải xác định mối quan hệ ở đây là như thế nào.

Theo quy định của pháp luật các hành vi bị cấm là kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Thứ hai, Đại tá Thìn nêu, lời khai trong việc xác định hành vi loạn luân chỉ là chứng cứ gián tiếp còn muốn khẳng định, phải có chứng cứ trực tiếp hoặc chứng cứ khác để chứng minh lời khai đó.

"Trên cơ sở lời khai của những người liên quan thì phải xác định mối quan hệ của họ như thế nào.

Điều rất quan trọng, mang tính quyết định đối với hành vi loạn luân là có giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, cùng huyết thống không.

Để xác định được điều này phải dựa trên rất nhiều chứng cứ, trong đó, điều quan trọng là cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định về y học. Cơ quan được trưng cầu cũng phải có thẩm quyền để kết luận.

Sau khi cơ quan giám định khẳng định, có quan hệ giao cấu xảy ra và những người ở đây có mối quan hệ huyết thống với nhau thì lúc đó, mới xác định được có hay không hành vi loạn luân", Đại tá Thìn nêu rõ.

Chuyên gia tội phạm này nhấn mạnh, nếu trong vụ việc Tịnh Thất Bồng Lai có hành vi loạn luân thì rõ ràng đây không chỉ là sự đồi bại, vô đạo đức, ảnh hưởng giống nòi, cần lên án mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp.

"Chúng ta đã tuyên truyền, xã hội lên án rất nhiều và pháp luật nghiêm cấm hành vi này từ rất lâu nên nếu xảy ra ở đây thì rõ ràng đó là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, lạc hậu rất lớn, đi lùi lại văn minh của nhân loại, xã hội và hơn thế, điều này còn thể hiện sự thách thức dư luận.

Việc xử lý nghiêm minh hành vi này là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một cơ quan chức năng nào kết luận cụ thể mà mới chỉ có dấu hiệu, ở giai đoạn đầu điều tra và thông tin chủ yếu bên lề.

Do đó, cần chờ cơ quan điều tra kết luận, VKS truy tố, tòa xét xử và bản án phải có hiệu lực thì người vi phạm mới bị coi là có tội loạn luân", Đại tá Thìn nói và đề nghị, cần hết sức thận trọng khi thông tin, chỉ trích về việc này.

Vị chuyên gia tội phạm này cũng chỉ rõ, trong nhóm người ở Tịnh Thất Bồng Lai, không phải tất cả cùng có dấu hiệu phạm tội loạn luân hay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ, cá thể hóa trách nhiệm hình sự nếu có của từng người để xử lý phù hợp.

Thanh Thủy (TH)