Phụ Nữ Sức Khỏe

Vì sao liên hoan và nhậu nhẹt sau giờ làm việc trở thành 'nỗi ám ảnh kinh hoàng' của dân công sở Hàn Quốc?

Những bữa tiệc sau giờ làm việc ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi mức độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng giảm dần. Đối với anh A, người đã dần quen với sự rảnh rỗi mỗi khi đi làm về, thì liên hoan và nhậu nhẹt chẳng khác gì cực hình. 

Anh A thổ lộ, "Một năm rưỡi qua, tôi đã học được thế nào là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc cứ liên hoan như thế này khiến tôi lo sợ mình sẽ đánh mất những thói quen lành mạnh mà tôi đã cố nuôi dưỡng".

Khi Hàn Quốc chuyển hướng sang “sống chung với Covid-19”, tiệc tối sau giờ làm là một trong những điều đầu tiên quay trở lại, theo Korea Herald.

Ảnh minh họa: Internet

Trong những buổi nhậu, nhân viên Hàn Quốc thường chọn món ăn phổ biến nhất nước này là thịt lợn nướng và dùng cùng rượu gạo hoặc rượu soju. Giữa buổi nhậu, các thành viên đổi chỗ cho nhau và tán gẫu. Sau đó, họ chuyển địa điểm tới một quán karaoke để tiếp tục cuộc vui.

Ảnh minh họa: Internet

Ở Hàn Quốc, nhậu nhẹt không chỉ là thói quen mà còn đã trở thành một nét văn hoá lâu đời trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm dịch bệnh vừa qua, các địa điểm dành cho những cuộc nhậu nhẹt của dân văn phòng đã giảm sút doanh thu đáng kể. Cụ thể, trong năm 2018, 1.500 quán karaoke đã phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm.

Ảnh minh họa: Internet

Văn hóa tiệc tùng sau giờ làm nổi tiếng của Hàn Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn. Số lượng khách hàng của những điểm ăn nhậu sau giờ làm suy giảm do xu hướng phát triển mới của xã hội. Những người lao động trẻ trong độ tuổi 20-30 thường ít tham gia các cuộc vui sau giờ làm của công ty như tiền bối của họ.

Năm 2018, một khảo sát trên 695 công nhân của trang web làm việc Saramin chỉ ra rằng có 61% công nhân trong độ tuổi 20 và 30 tin rằng tiệc tối là điều không cần thiết ở công sở. Trong khi đó, chỉ có 32% người ở độ tuổi 40 và 50 có cùng quan điểm này.

Một luật mới đã được thông qua năm 2018, quy định rằng nhân viên không được làm việc quá 52 giờ một tuần. Động thái này của chính phủ nhằm cố gắng cân bằng cuộc sống cho nhân viên ở một quốc gia có thời gian làm việc dài thứ 3 trong số các quốc gia phát triển, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Ảnh minh họa: Internet

Job Korea, một trang web tìm kiếm việc làm, năm ngoái đã thăm dò 230 nhân viên về việc họ có xem "tiệc tùng" như là tăng ca bên ngoài hay không, hơn 7 trong 10 người được hỏi đã trả lời "có".

Hàn Quốc đang dần thay đổi môi trường làm việc, nhận thức của những người trẻ nước này về văn hóa nhậu nhẹt sau giờ làm cũng biến chuyển theo đó.

Theo Maeil Business News

Q.Duyên (Dịch)