Phụ Nữ Sức Khỏe

Ung thư xương là căn bệnh như thế nào? Cần phải làm gì để phòng chống ung thư xương?

Khái niệm về ung thư xương

Thực tế, ung thư xương không quá phổ biến, tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi. Ung thư xương được hiểu là ung thư liên kết (sacôm) xuất phát từ tế bào tạo xương, tạo sụn, tế bào mô liên kết của xương. Đau, sưng hoặc đột ngột đau dữ dội ở một vết gãy do xương đã bị suy yếu... là dấu hiệu của ung thư xương nguyên phát hoặc di căn.

Ung thư xương. Ảnh: Internet

Có tổng cộng 4 loại u xương gây ảnh hưởng đến cơ thể người

- U xương đầu và cổ tương đối hiếm và chiếm dưới 10% của tất cả các loại u xương. Xương thường bị ảnh hưởng nhất là xương hàm, tiếp theo là phần miệng trên của hộp sọ (hàm trên). Sau cùng là ung thư trong xương cổ có thể phát triển và to ra ở phía sau cổ họng dẫn đến khó nuốt hoặc khó thở.

- U xương Parosteal (ung thư liên kết màng ngoài xương) gây ra cảm giác đau và đau nhẹ trên vị trí ung thư. Những khối u này có thể hạn chế khả năng linh hoạt và kéo dài khớp gối.

- U xương xơ cứng đa tiêu điểm (u xương xơ cứng đa ổ) là tình trạng có nhiều khối u trong khung xương khi được chẩn đoán. Các khối u xương phát triển độc lập, đồng thời và ở nhiều vị trí.

- U xương sau chiếu xạ có thể phát triển sau điều trị bằng xạ trị cho một bệnh ung thư khác.

Ung thư xương biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng phổ biến của ung thư xương được kể ra như:

- Người bệnh sẽ cảm thấy các cơn đau mơ hồ trong xương, sau đó đau rõ từng đợt ngắn, rất khó chịu dẫn đến chán nản, mệt mỏi và không còn sức làm bất cứ điều gì.

- Người bệnh có thể bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân dẫn đến nhầm lẫn với các loại bệnh thông thường.

- Đi khập khiễng nếu khối u ở chân hoặc xương hông; khó di chuyển, nâng hoặc đi bộ. Đau nhức, sưng gần khớp, nóng và tấy đỏ ở vùng bị ảnh hưởng.

Các biểu hiện của ung thư xương. Ảnh: Internet

- Gãy xương tại vị trí của khối u, xương có thể gãy dù vận động bình thường.

- Đau đột ngột, dữ dội ở xương trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

- Rối loạn chức năng xương: Khi bệnh nhân bị ung thư xương nặng hơn vào giai đoạn muộn hơn sẽ gây ra các cơn đau, sưng, và các triệu chứng teo cơ kèm theo.

- Ngoài ra, triệu chứng ung thư xương giai đoạn cuối nguy hiểm nhất là khối u di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể. Khi khối u di căn đến gan khiến gan to ra, xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu sậm, phân lợt màu. Di căn đến phổi sẽ khiến bệnh nhân khó thở, ho dai dẳng, tràn dịch màng phổi. Ngoài ra, ung thư xương có thể di căn đến thận, tuyến thượng thận, đến mắt, não... gây ra các triệu chứng đặc trưng ở từng cơ quan. Cấp độ 3 của việc ung thư xương cũng được xem là giai đoạn cuối của căn bệnh này.

Cần làm gì để phòng tránh ung thư xương

- Tạo thói quen, lối sống lành mạnh: bằng việc thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá…

- Thói quen uống trà xanh: Trà xanh không chỉ giúp làm đẹp da mà còn chứa thuộc tính chống ung thư. Một tách trà xanh mỗi ngày sẽ giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả. Thực phẩm này được khuyên nên bổ sung cho cơ thể.

- Tắm nắng: Các tia UV của ánh mặt trời nếu được hấp thụ một cách hợp lý, sẽ giúp hấp thụ vitamin D ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư.

- Nhận thức về việc di truyền: Khi trong gia đình có người bị ung thư xương, bạn nên đề phòng và làm xét nghiệm từ sớm để ngăn ngừa và điều trị kịp thời.

- Sàng lọc ung thư xương: Nếu bạn từng xạ trị, hóa trị, cấy ghép kim loại điều trị gãy xương, thì nên tiến hành xét nghiệm sàng lọc để được bác sĩ phát hiện khi còn giai đoạn đầu và điều trị hiệu quả hơn.

 

H.A (t/h)