Phụ Nữ Sức Khỏe

Từ sẩn đỏ ở cánh mũi, hai người phát hiện ung thư tế bào đáy xâm lấn: Làm cách nào để phòng tránh

Thông tin từ VTV cho hay, bệnh nhân là nữ, 34 tuổi, bệnh diễn biến 5 năm nay. Khởi phát, bệnh nhân xuất hiện sẩn màu da vùng mi dưới trái, không đau, không ngứa, đi khám được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC - khẳng định bằng giải phẫu bệnh) đã phẫu thuật 2 lần tại các bệnh viện ở tỉnh do khối u tái phát.

Khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân lại phát hiện tổn thương xuất hiện trở lại tại vết mổ cũ với tính chất tương tự và đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, được sinh thiết và khẳng định chẩn đoán là BCC tái phát.

Hình ảnh khối u tái phát trên nền sẹo mổ cũ (mũi tên xanh). Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Tiền sử nghề nghiệp không tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng hoặc hóa chất, gia đình không có ai mắc bệnh ung thư.

Cũng theo VietNamNet, đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, người đàn ông (29 tuổi) có khối u, thâm nhiễm vùng cánh mũi phải. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy.

Theo chia sẻ của người này, cách đây 2 năm, anh cũng được chẩn đoán ung thư da và phẫu thuật 2 lần tại cùng một bệnh viện. Tuy nhiên, sau mổ, tổn thương của anh thường xuyên chảy dịch, đóng vảy trong lỗ mũi.

Hình ảnh mũi tên xanh chỉ khối u tái phát, tổn thương xâm lấn vào niêm mạc cánh mũi, gây co kéo cánh mũi. Ảnh: VietNamNet

Đây là một trong số nhiều bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy tái phát sau phẫu thuật Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần đây. Các bệnh nhân đến khám có khối u tại vết mổ cũ, lan rộng và xâm lấn sâu hơn.

Bệnh nghiêm trọng như thế nào?

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, ung thư biểu mô tế bào đáy là ung thư da thường gặp nhất chiếm khoảng 75% tỷ lệ các ung thư da. Trên lâm sàng, ung thư biểu mô tế bào đáy có những đặc điểm là tổn thương bóng, hồng hoặc có sắc tố, bờ nổi cao hình chuỗi hạt ngọc trai hoặc những tổn thương giống sẹo xơ cứng.

Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy trên lâm sàng dựa vào những đặc trưng nêu trên, tuy nhiên nhiều tổn thương ở giai đoạn sớm, các thể đặc biệt (thể xơ hóa, thể nông, thể đáy – vảy hay tổn thương có tăng sắc tố) có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các tổn thương lành tính. Do đó, những bệnh nhân có những biểu hiện là các tổn thương trên da cần được khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Phương pháp đầu tay điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy hiện nay là phương pháp phẫu thuật, với khối u giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị khỏi cao và ít nguy cơ tái phát. Tuy vậy, với bất cứ phương pháp phẫu thuật nào, bác sĩ phẫu thuật ung thư cũng cần được đào tạo rất bài bản, vì mỗi loại ung thư da sẽ có nhiều lựa chọn phương pháp phẫu thuật khác nhau.

Việc chẩn đoán muộn ung thư, điều trị sai phương pháp hoặc không đúng theo hướng dẫn sẽ dẫn tới tổ chức ung thư không được loại bỏ hoàn toàn, tỷ lệ tái phát cao và tiếp tục ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Cách phòng ung thư tế bào đáy

Theo các chuyên gia chia sẻ trên VietNamNet, cách phòng bệnh tốt nhất là bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách:

- Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành đi ra ngoài trời.

- Bôi kem chống nắng thường xuyên và đúng cách, nhất là vùng da mặt vì đây là khu vực tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.

- Hạn chế tiếp xúc lâu với ánh nắng, đặc biệt là trẻ em.

- Ngoài ra, cần thăm khám ngay với bác sĩ nếu phát hiện tổn thương trên da có nổi u, cục nhìn như "nốt ruồi"; hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian.

 

My My (t/h)