Phụ Nữ Sức Khỏe

TP.HCM: Tiêm filler nâng mũi, một người phụ nữ bị hoại tử, dù chủ tiệm vẫn khẳng định “biểu hiện bình thường”

Theo thông tin từ Thanh niên, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp biến chứng do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler) để nâng mũi. Bệnh nhân là nữ N.T.K.L, 30 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Bệnh nhân cho biết, để cải thiện mũi cao hơn, cách đây 3 ngày, chị đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân do một người quen giới thiệu để tiêm filler nâng mũi. Tại đây chị được chủ spa tư vấn tiêm 2cc filler Hàn Quốc với giá 1.200.000 đ/1cc. Tổng cộng chị L. tiêm 2cc filler với giá 2.400.000 đ.

Ảnh minh họa: Internet

Trong quá trình tiêm filler, chị L thấy vùng miệng bị tê nên báo cho người thực hiện, tuy nhiên, người này cho biết chỉ là “bình thường” và tiếp tục tiêm. Chỉ sau khoảng vài giờ tiêm, vùng miệng chị L. sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê… Chị L. liên hệ lại spa nhưng chủ spa báo đây là “biểu hiện bình thường sẽ hết sau vài ngày”.

Sau 2-3 ngày da chị L bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng, chị L tiếp tục liên hệ spa thì nhận được giải thích là “da đang đào thải độc tố”. Chi L sau đó được tiệm spa này tiêm thêm thuốc giải nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Vì quá lo lắng, chị L đến khám tại BV Da Liễu TP.HCM trong tình trạng vùng mũi, miệng bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề, trên mũi xuất hiện các nốt có mủ, đóng mài vàng, bệnh nhân không sốt, than đau, ăn uống kém…

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: Thanh Niên)

Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ tại bệnh viện chẩn đoán chị L. đang có biểu hiện của tình trạng hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân có thể do tắc mạch khi tiêm một lượng filler khá lớn (2 cc) vào vùng mũi cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu hoặc tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng, cũng như chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo cũng sẽ góp phần làm nặng thêm biến chứng.

Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau 1 tuần, tình trạng hoại tử da cải thiện đáng kể. Tuy nhiên khi da lành để lại vết sẹo trên mũi, đỏ và hơi lõm.

Nam Phương (TH)