Phụ Nữ Sức Khỏe

TP.HCM: Ghi nhận 7 ca tử vong vì sốt xuất huyết, báo động nguy cơ bùng phát dịch

Theo VnExpress đưa tin, tại họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vào chiều 19/5, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) nhận định: "Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đang rất đáng báo động". Đây không phải lần đầu tiên trong một tháng qua TP.HCM cảnh báo về dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp. Từ cuối tháng 4, HCDC đã cảnh báo sốt xuất huyết vào mùa và nguy cơ bùng phát theo sau Covid.

Theo thông tin của Tiền Phong, tính riêng trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 943 ca bệnh SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Trong tuần có thêm 1 ca tử vong do SXH tại huyện Củ Chi. Cộng dồn từ đầu năm đến nay tại TP.HCM đã có 7 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Từ ngày 13 đến 19/5 toàn thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới, các ổ dịch đã xuất hiện ở 17/22 quận huyện và thành phố Thủ Đức. Nhiều phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (Quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

Nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát của ngành y tế đã kéo giảm được sự gia tăng của sốt xuất huyết tại một số quận huyện so với số ca trung bình 4 tuần trước gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Phú Nhuận.

Sốt xuất huyết thường gia tăng vào thời điểm mùa mưa, cộng đồng nên tăng cường cảnh giác - Ảnh: báo Tiền Phong

Bệnh SXH lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Đây là loài muỗi sinh sống trong môi trường nước sạch, mùa mưa là điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi truyền bệnh SXH. Đến nay, bệnh vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, SXH có thể phòng ngừa hiệu quả bằng những biện pháp diệt muỗi, không để bị muỗi chích. Để tránh nguy cơ mắc SXH, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân cần chủ động bảo vệ bản thân bằng các biện pháp đơn giản như ngủ mùng, tăng cường diệt muỗi và lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống và làm việc, loại bỏ hoặc lật úp các vật chứa nước sạch không dùng tới.

TiNi (TH)