Phụ Nữ Sức Khỏe

Tiêm vaccine phòng COVID-19 có gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt?

Theo thông tin của Sức khoẻ và Đời sống, sau khi tiêm vaccine COVID-19, nhiều phụ nữ cho biết, có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt như cơn đau bụng có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn bình thường, đến sớm hơn hoặc muộn hơn dự kiến. Có nhiều phụ nữ đã báo cáo về hiện tượng thay đổi ở chu kỳ kinh nguyệt của họ sau khi tiêm vaccine COVID-19. Một số nghiên cứu khoa học đã giải thích về hiện tượng này

Trên thực tế, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố như tuổi tác, thuốc men, bệnh tật, tinh thần, thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục,... Mặc dù có khả năng tiêm vaccine COVID-19 có thể tạm thời làm thay đổi thời gian kinh nguyệt hoặc rụng trứng, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc có con trong tương lai.

vaccine
Sau tiêm vaccine COVID-19, kinh nguyệt có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn chu kỳ bình thường - Ảnh minh họa: Internet

TS Michelle Wise - Giảng viên cao cấp của Khoa Sản và Phụ khoa Đại học Auckland giải thích: Về lý thuyết, vaccine có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể và phản ứng miễn dịch này có thể có tác động đến chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt được điều hòa một phần bởi hệ thống miễn dịch. Một số tế bào miễn dịch nhất định có thể được tìm thấy trong lớp nội mạc tử cung và tham gia vào quá trình bong ra của lớp niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt, và xây dựng lại nó cho chu kỳ tiếp theo.

Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến hormone hoặc hệ thống miễn dịch như căng thẳng, chế độ ăn kiêng, tập thể dục, giấc ngủ hoặc bệnh tật, đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Một số phụ nữ có thể lo lắng, căng thẳng về việc tiêm phòng, trong khi những người khác sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi được tiêm phòng.

Vì vậy, TS Michelle Wise nhấn mạnh rằng các báo cáo về kinh nguyệt không đều không phải là lý do để tránh việc tiêm vaccine. Nếu đủ điều kiện để được tiêm vaccine COVID-19 nên tiêm phòng. Sau tiêm vaccine COVID-19, nếu có kinh nguyệt nặng hơn, hãy nghĩ đó giống như một tác dụng phụ tạm thời và đừng lo lắng.

Vì vậy, nếu chỉ gặp phải sự gián đoạn trong một chu kỳ bất kể lý do là gì thì có thể không cần phải lo lắng. Nếu kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh nhiều hơn bình thường hoặc kéo dài hơn ba tháng, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Tini (TH)