Phụ Nữ Sức Khỏe

Theo dõi các phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Dấu hiệu nào cần đi viện ngay?

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều 31/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của 63 tỉnh/thành phố là 11.809.740 trẻ. Chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai tại trường học, các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm lưu động, tiêm cho nhóm 11 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp độ tuổi. 

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm hai loại vắc xin là vắc xin Comirnaty (Pfizer/BioNTech COVID-19 vắc xin) và vắc xin Spikevax (Moderna COVID-19 vắc xin).

Vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên (không sử dụng vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi).

Phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi này khi tiêm vắc xin Pfizer là: đau tại vị trí tiêm (> 80%); kiệt sức (> 50%); đau đầu (> 30%); đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%); đau cơ và ớn lạnh (> 10%).

Vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi cùng loại vắc xin Moderna dùng cho người lớn và bằng 1/2 liều người lớn (tương đương 0,25ml). Không tiêm vắc xin Moderna cho trẻ 5 tuổi.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ nhóm tuổi này sau liệu trình tiêm vắc xin Moderna cơ bản là: đau tại vị trí tiêm (98,4%); mệt mỏi (73,1%); đau đầu (62,1%); đau cơ (35,3%); ớn lạnh (34,6%); nôn mửa (29,3%); sưng đau ở nách (27%); sốt (25,7%); ban đỏ tại vị trí tiêm (24%); sưng tại vị trí tiêm (22,3%); đau khớp (21,3%).

 

Tiêm vaccine cho học sinh - Ảnh: báo Hà nội mới

Bà Hồng lưu ý thêm: Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần có phụ huynh đi cùng, theo dõi phản ứng sau tiêm cho trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Phụ huynh cùng trẻ theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Khi trẻ có những biểu hiện mệt bất thường, nôn, tiêu chảy, tím tái, khó thở, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, sốt cao liên tục trên 38,5 độ và không đáp ứng thuốc hạ sốt, cha mẹ cần liên hệ cơ sở y tế ngay.

Lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm, luôn có người hỗ trợ trẻ 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.

Trẻ được khám sàng lộc trước khi tiêm vaccine - Ảnh: báo Người Lao động

Theo thông tin của Doanh nghiệp và Tiếp thị, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, theo dõi trẻ sau tiêm khi thấy một trong các dấu hiệu sau hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:

1. Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

2. Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

3. Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

4. Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

5. Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

6. Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

7. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

8. Toàn thân:

- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

TiNi (TH)