Phụ Nữ Sức Khỏe

Thẻ CCCD gắn chip sẽ tích hợp và thay thế các loại giấy tờ quan trọng như bằng lái, bảo hiểm, ví điện tử…

Mới đây, theo báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án).

Theo đó, mục tiêu của đề án này nhằm phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip để phục vụ năm nhóm tiện ích sau: (1) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) phục vụ công dân số; (4) hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đề án được chia lộ trình thực hiện theo nhiều giai đoạn. Đáng chú ý, trong năm 2022, đề án đặt mục tiêu bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân bằng việc tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).

Sắp tới, thẻ CCCD gắn chip sẽ thay thế bằng lái xe, bảo hiểm, ví điện tử… - Ảnh: Internet

Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...

Cũng trong năm 2022, 100% dữ liệu công dân sẽ được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp số định danh cá nhân và được cấp thẻ CCCD gắn chip trong độ tuổi. Đặc biệt, đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến giai đoạn 2022 – 2023, đề án hướng tới tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi (ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước...) lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ CCCD gắn chip.

Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỉ đồng. Ngày 1/1/2021, lực lượng công an bắt đầu thu nhận cấp CCCD gắn chip cho công dân từ 14 tuổi.

Tháng 6/2021, Bộ Công an tổng kết dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự án sản xuất cấp và quản lý CCCD và lễ công bố vận hành chính thức hoạt động của hai hệ thống từ ngày 1/7/2021.

Với sự tham gia của 60.000 cán bộ công an cơ sở trên toàn quốc, đến nay ngành công an đã rà soát hơn 98 triệu nhân khẩu trong dữ liệu dân cư quốc gia; thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD, trong đó đã thực hiện in và trả hơn 52 triệu CCCD cho người dân.

Tini (TH)