Phụ Nữ Sức Khỏe

Sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết diễn biễn nguy hiểm, bác sĩ cảnh báo khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên chúng ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần.

Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng sốt xuất huyết

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau.

- Ở thể nhẹ, chủ yếu là: sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C; sốt có thể kéo dài 4 – 7 ngày và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn và nôn; có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban.

- Ở thể nặng có dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; có các dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, li bì, đau bụng nhiều, nôn nhiều, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng , nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

- Hoặc bệnh nhân đi vào sốc Dengue sớm, đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.  Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan: gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ cảnh báo khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay

BS. Trịnh Thị Ngân - Khoa Bệnh nghề nghiệp, BVĐK Thanh Nhàn cho biết trên Sức khỏe và Đời sống: "Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người cao tuổi có bệnh nền, khi mắc SXH cần được quan tâm chăm sóc, bởi những đối tượng này, bệnh rất dễ chuyển biến nặng".

Trong trường hợp những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu, chóng mặt buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau ngực, khó thở bệnh nhân phải nhập viện ngay để kịp thời phát hiện và chữa trị.

Suy giảm tiểu cầu chỉ được phát hiện qua xét nghiệm do vậy khi xuất hiện những triệu chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu răng, chảy máu mũi, chảy máu nhẹ bệnh nhân phải nhập viện ngay để được làm xét nghiệm, phát hiện chính xác số lượng tiểu cầu, kịp thời can thiệp khi tiểu cầu giảm xuống quá thấp để tránh những biến chứng nặng.

 

Sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng, hạn chế biến chứng nặng. Vì vậy, khi bị sốt xuất huyết có thể uống thuốc giảm đau, hạ sốt cách 4-6 tiếng uống lại một lần, uống dung dịch nước bù điện gải, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân, bổ sung các vitamin và chế độ ăn nhiều năng lượng.

Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Một số biện pháp phòng bệnh như:

- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ;

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;

- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên…

- Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Thanh Thủy (TH)