Phụ Nữ Sức Khỏe

Rau muống, món ăn dân dã giá “rẻ như bèo” nhưng không phải ai cũng ăn được

 

Rau muống vị ngọt, tính mát. Theo đông y, rau muống có tác dụng giải nhiệt, thông tiểu tiện, chữa táo bón, đái dắt. Trong rau muống có nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, calci, phốt pho, sắt, vitamin B1, B2, C, PP…

Ảnh minh họa: Internet

Theo VTC News dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), trong y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn (tính hàn giảm khi nấu chín), công dụng thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc. Dù có nhiều lợi ích, rau muống không phù hợp với một số nhóm người.

Những ai không nên ăn rau muống?

Những người mắc bệnh huyết áp cao, nhịp tim chậm, suy nhược nặng, hư hàn không nên ăn rau muống. Ngoài ra, rau muống có thể kích thích tăng sinh tế bào, làm sẹo lồi, không tốt cho những người có vết thương hở hoặc đang trong giai đoạn lành mụn nhọt.

Đặc biệt, người đang uống thuốc Đông y cũng không nên ăn rau muống, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi thuốc có thành phần độc trị độc.

Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin báo Tiền Phong, rau muống có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:

Giảm cholesterol: Rau muống là lựa chọn phù hợp cho những ai muốn giảm cân và lượng cholesterol tự nhiên. Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột đã chứng minh rau muống còn giúp hạn chế triglycoside (chỉ số mỡ máu).

Điều trị thiếu máu: Sắt là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là các tế bào máu đỏ. Vì vậy, hàm lượng sắt cao trong lá rau muống rất có lợi cho những người bị thiếu máu cũng như phụ nữ mang thai.

Điều trị chứng khó tiêu và táo bón: Do giàu chất xơ, rau muống giúp hỗ trợ và điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa tự nhiên. Đặc tính nhuận tràng của loại rau này mang nhiều lợi ích cho những người bị chứng khó tiêu và táo bón. Thậm chí, nước luộc rau cũng có thể chữa các bệnh này. Ngoài ra, rau muống còn được sử dụng để điều trị nhiễm giun đường ruột rất hiệu quả.

Ảnh minh họa: Internet

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn rau muống thường xuyên kích thích phát triển các chất đề kháng chống lại bệnh tiểu đường. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ mang thai.

Bảo vệ tim: Rau muống chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C và beta-carotene. Chúng đóng vai trò quan trọng, giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa cholesterol. Bên cạnh đó, folate trong rau muống giúp chuyển đổi homocysteine, một loại hóa chất khi ở mức độ cao có khả năng gây đau tim hoặc đột quỵ. Khoáng chất magiê trong rau muống giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim.

Yên Nhiên (TH)