Phụ Nữ Sức Khỏe

Phóng to 100 lần bức tranh cổ, chi tiết "dở khóc dở cười" khiến cư dân mạng thảng thốt: Hoá ra người xưa cũng không khác bây giờ là bao!

Thanh minh thượng hà đồ

Bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" (Dịch: Tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh) là tên của một số tác phẩm hội họa khổ rộng của Trung Quốc, trong đó bản đầu tiên và nổi tiếng nhất là bức tranh của họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ đời nhà Tống.

Tác phẩm mô tả cảnh sinh sống của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong ngày nay) với đầy đủ những sinh hoạt thường nhật, trang phục, ngành nghề, các chi tiết kiến trúc, đường xá cũng được mô tả chi tiết với nhiều màu sắc trên một diện tích rộng.

 Bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" với 3 phần chính trong bản vẽ lại vào thế kỷ 18. Hình ảnh: Baidu

"Thanh minh thượng hà đồ" được vẽ trên một trường quyển (cuộn giấy dài) có kích thước 24,8×528,7 cm. Danh tiếng của Thanh minh thượng hà đồ tại Trung Quốc rất lớn, chính vì vậy đôi khi còn được gọi là "Mona Lisa của Trung Quốc". Bức tranh là báu vật của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc và hiện được trưng bày tại Cố Cung Bắc Kinh.

 

Cái tài tình của họa sĩ Trương Trạch Đoan phải nằm ở 4 chữ "tỉ mỉ" và "sống động". Bởi trong một khổ giấy dài và rộng như vậy, hậu thế vẫn có thể nhìn được từng chi tiết một cách rõ nét sống động như thật. 

Để rồi từ đó người xem như đang được sống giữa không khí tấp nập nhộn nhịp của người xưa trong tiết Thanh minh ấm áp.

 Chi tiết của bản gốc Thanh minh thượng hà đồ của Trương Trạch Đoan, đầu thế kỷ 12. Hình ảnh: Wikipedia

Thế nên Thanh minh thượng hà đồ sau khi được phóng to 100 lần, hậu thế không ít lần phải bất ngờ trước những chi tiết nhỏ giữa hàng trăm chi tiết được khắc họa.

Ở một góc của bức tranh, người xem không khỏi phì cười trước hình ảnh một đám đông giữa phố chợ và một người đàn ông trên đuôi thuyền. Rốt cuộc họ đang làm gì?

Chi tiết "dở khóc dở cười"

Phóng to 100 lần, giữa phố chợ tấp nập, có một đám đông đang túm năm tụm ba để… đánh nhau. Đánh nhau hay mâu thuẫn vốn dĩ không có gì là lạ dù có ở thời cổ đại đi chăng nữa nhưng họa sĩ Trương Trạch Đoan lại khắc họa chi tiết đến độ cư dân mạng phải thốt lên: "Người xưa không ngờ cũng giống bây giờ quá!".

Hoá ra là đám đông kia đang… túm tóc nhau như một cách thức giải quyết mâu thuẫn không khác gì những màn "đánh ghen" tai tiếng trên mạng xã hội bây giờ. Đáng chú ý là cách thức đánh nhau như này thường được phụ nữ sử dụng chứ hiếm khi thấy đàn ông làm như vậy.

 Đám đông đang túm tóc đánh nhau. Hình ảnh: Zhihu

Không chỉ túm tóc giật đầu mà hai người đang đánh nhau trong bức tranh còn cởi trần và qua nét vẽ còn họ còn hiện lên với sự hùng hổ. Ở thời cổ đại, việc cởi trần và cãi nhau ngoài phố chợ vốn đã là điều kiêng kị và đáng xấu hổ chứ đừng nói đến túm tóc giật đầu như vậy!

Ngoài chi tiết đám đông túm tóc đánh nhau, hậu thế còn soi được một người đàn ông đang lười biếng trốn việc nằm phơi nắng ở đuôi thuyền. Có cư dân mạng còn vui tính bình luận rằng: "Hoá ra ở thời đại nào cũng có người lười biếng và thích nằm giống mình!"

 Người đàn ông lười biếng trốn việc. Hình ảnh: Zhihu
 Trong khi mọi người đang làm việc chăm chỉ. Hình ảnh: Zhihu

Hơn nữa dáng nằm của người đàn ông này được hậu thế nhận xét rằng không khác gì…con cá đuối phơi nắng.

Một bức tranh cổ khổ rộng với chiều dài hơn 5 mét mà tác giả lại có thể phác họa chi tiết và sống động những khung cảnh sinh hoạt thường ngày của dân chúng đến vậy. 

Thậm chí những chi tiết "dở khóc dở cười" này còn khiến hậu thế không khỏi bất ngờ bởi người xưa cũng giống chúng ta bây giờ, cũng có những hoạt động thường nhật như vậy chứ không hề cứng nhắc, nhàm chán và cổ hủ như chúng ta thường thấy trên phim ảnh.

Huỳnh Như (t/h)