Phụ Nữ Sức Khỏe

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết sau lũ: 4 thực phẩm tăng sức đề kháng, phòng dịch hiệu quả

Thời điểm vào khoảng tháng cuối tháng 9 - 11, bão lũ thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây nguy cơ khiến nhiều người gặp các căn bệnh lây nhiễm như: bệnh hô hấp, bệnh về mắt, các bệnh ngoài da và bệnh do muỗi truyền (sốt xuất huyết).

Bằng các biện pháp chung bảo vệ an toàn như vệ sinh nhà cửa, rửa sạch đồ dùng, vệ sinh tay chân, chúng ta nên chú ý các thói quen tăng sức đề kháng cho cơ thể, bảo đảm môi trường thông thoáng phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Sốt xuất huyết có thể tăng sau lũ. Ảnh: Internet

Căn bệnh sốt xuất huyết gây hại cho cơ thể như thế nào?

Các biến chứng của căn bệnh sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Trong đó, các căn bệnh liên quan được chỉ ra như sau:

Viêm đường hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi

Viêm đường hô hấp xảy ra khi người bệnh mắc sốt xuất huyết do gặp tình trạng thoát huyết tương. Sốt xuất huyết dẫn đến tác hại viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Sốc mất máu

Bệnh xuất huyết gây ra việc tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu biểu hiện của việc sốc là máu sẽ bị đẩy ra ngoài. Trường hợp này sẽ chảy máu khá nhiều như chảy máu cam, chảy máu chân răng, qua vết thương hở. Việc mất máu nhiều khiến cơ thể kiệt quệ và sốt cao dài ngày, vã mồ hôi, nôn nhiều.

Những lưu ý phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Internet

Suy tim, suy thận

Do việc suy hô hấp và lượng máu không đủ bơm lên tim, đồng thời dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Do đó, tình trạng này vừa dẫn đến suy tim, kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.

Mù mắt

Quả thật, sốt xuất huyết có thể làm võng mạc tổn thương, thị lực giảm sút, gây che phủ dịch kính mắt, làm mờ mắt và khiến người bệnh không nhìn rõ mọi vật, nếu không chữa kịp thời có thể dẫn đến biến chứng mù mắt.

Người dân dọn vệ sinh nhà cửa sau lũ. Ảnh: Internet

Sảy thai

Khi mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sảy thai.

Ngoài ra, căn bệnh tràn dịch màng phổi hay những bệnh nhân đã có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu... có thể dẫn đến giảm tiểu cầu gây xuất huyết não, dễ tử vong.

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn và uống gì?

Do bệnh sốt xuất huyết liên quan trực tiếp đến việc tiểu cầu giảm, giảm các yếu tố đông máu. Vì vậy, người bệnh sốt xuất huyết cần bù nước, bổ sung thực phẩm chứa vitamin C, tăng sức đề kháng và bền thành mạch, hỗ trợ cho điều trị.

- Chú ý bù nước, bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Người bệnh có thể dùng dung dịch điện giải hoặc oresol, tăng cường uống nước trái cây, nước ép.

- Lựa chọn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Bổ sung thêm các thực phẩm nhiều chất đạm như thịt cá, sữa; các loại rau củ màu vàng cam đậm, xanh đậm như cà rốt, bồ ngót, rau cải, đu đủ chín… có nhiều vitamin A, C.

- Đối với trẻ nhỏ, nên ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt… Ngoài bữa ăn chính nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.

- Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết lợn, bò, gà, củ dền… vì những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

4 thực phẩm phòng giảm sốt xuất huyết

Các gia đình có thể tham khảo những loại thực phẩm sau đây có lợi cho việc tăng sức đề kháng và giảm bớt các triệu chứng sốt xuất huyết được chỉ ra như sau:

Nước dừa

Nước dừa không chỉ bù nước bị mất mà nó còn là một nguồn cung cấp các khoáng chất và muối cần thiết. Loại nước này được xem như chất điện giải tự nhiên của cơ thể, chống, giảm suy nhược. Lúc bệnh có thể bổ sung vừa đủ lượng nước này để giảm những triệu chứng bệnh.

Nước hoa quả (cam, chanh, kiwi, bưởi, táo, dưa hấu…)

Các loại nước ép trái cây giàu vitamin C, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, là nguồn cung cấp vitamin tốt nhất và giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch và chống oxy hóa rất quan trọng cho cơ thể. Các gia đình chú ý bổ sung loại nước uống hoặc trái cây này trước, trong và sau dịch.

Nước cam tăng sức đề kháng. Ảnh: Internet

Trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc có tác dụng giúp cơ thể phục hồi các tổn thương, giúp thư giãn cơ thể và tinh thần rất tốt. Nó cũng sẽ giúp tạo giấc ngủ, để cơ thể bạn có thể nghỉ ngơi trong thời gian tối đa và giúp bạn phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết. .Bạn có thể lựa chọn các loại trà pha chế có thảo quả, bạc hà, gừng, quế... Trà thảo mộc sẽ giúp bạn thư giãn cơ thể và tinh thần.

Các loại ngũ cốc, cháo, súp

Ngũ cốc là một lựa chọn tốt vì có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng cao giúp bạn có đủ sức mạnh để chống lại bệnh tật. Các thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch có thể dễ tiêu hóa nên tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì nó giúp chống lại các tác động xấu của bệnh sốt xuất huyết.

Các món ăn dinh dưỡng cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Với các loại cháo dinh dưỡng, nó giúp dễ tiêu hóa, giúp cơ thể no và nhanh phục hồi hơn. Khi thêm vào thực đơn thịt nạc, thịt gà, chất xơ từ rau củ giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng cho người bệnh. Bạn có thể nấu dưới dạng súp hoặc rau xay nhuyễn, cho thêm đậu hũ và các loại hạt đậu để tăng protein, năng lượng, chất xơ và khoáng chất.

Các biện pháp phòng sốt xuất huyết

Theo khuyến cáo từ Bộ y tế, các biện pháp phòng và chống bênh sốt xuất hiện chú ý như sau:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng có nguy cơ tăng cao. Chú ý đổ nước trong thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

- Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi nghi ngờ dấu hiệu sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

My My (t/h)